Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước. Đây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống nhân dân, có ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Sau 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật XLVPHC.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Công an cho biết Bộ đang tổng hợp từ các địa phương các số liệu cụ thể phục vụ cho việc chứng minh sự cần thiết của việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC. Về việc sửa đổi, bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa, Bộ Công an đề nghị nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy từ 50 triệu đồng lên 70 triệu đồng do mức phạt hiện tại quá thấp dẫn đến tình trạng người vi phạm sẵn sàng nộp phạt và cũng sẵn sàng tái phạm, nhất là những hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức điện đưa về phòng cháy, chữa cháy; đề nghị nâng mức phạt an ninh trật tự từ 50 triệu đồng lên đến 75 triệu đồng cho phù hợp với Luật Giao thông; bổ sung định mức phạt cứu hộ, cứu nạn…
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề nghị bổ sung việc sử dụng các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, ma tuý; bổ sung các trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính để xác định nhân thân do người vi phạm bỏ trốn hoặc không hợp tác với người có thẩm quyền…
Đại diện Bộ Y tế cho rằng, việc bổ sung các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực phòng, chống tác hại của rượu bia, thuốc lá là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ các hành động như vứt mẩu tàn thuốc lá xảy ra rất nhanh, dẫn đến khó khăn trong quá trình xử phạt hành chính cũng như thu thập bằng chứng để xử phạt. Chưa kể, các hành vi hành hung các thầy thuốc, đơn vị y tế hiện nay cũng cần có những biện pháp để xử phạt vi phạm hành chính.
Không những thế, lực lượng thanh tra trong lĩnh vực y tế rất mỏng, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyên ngành, do đó việc có sự hỗ trợ từ công cụ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để cung cấp thêm bằng chứng cho việc xử phạt vi phạm hành chính thì rất thuận lợi.
Kết luận cuộc họp, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật XLVPHC, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, đề nghị các Bộ, ngành nhanh chóng tổng hợp và gửi số liệu cho Bộ Tư pháp trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời đưa ra những trường hợp cụ thể, nêu rõ những lý do tại sao lại cần phải tăng các mức độ phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; tại sao phải sửa đổi, bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lập biên bản vi phạm hành chính và thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính… Cục trưởng cũng yêu cầu các Bộ, ngành nêu rõ tính đến thời điểm hiện tại, đã có bao nhiêu vụ xử phạt hành chính ở mức tiền tối đa nhưng vẫn tiếp tục tái phạm; chú trọng đến các hành vi có tính chất, mức độ; tăng cường tính công khai, minh bạch hiệu quả và bảo đảm dân chủ trong quy định về thủ tục xử lý vi phạm hành chính…