Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội đã nêu tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường có tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân. Đặc biệt là vi phạm xả thải trực tiếp của Nhà máy Formosa làm cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung gây bức xúc trong dư luận và khó khăn trong sản xuất của ngư dân. Việc phát hiện ra thủ phạm là kết quả đáng ghi nhận, nhưng phải rất nhiều năm mới khắc phục được hậu quả môi trường, khôi phục sản xuất.
Theo ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, bà con nhân dân đề nghị xử lý nghiêm minh với các bộ ngành, cơ quan, tổ chức trung ương và địa phương liên quan đến sự cố trên, không thể vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà làm thiệt hại đến cả quốc gia.
“Người dân rất phẫn nộ, rất mong Ban Bí thư có ý kiến chỉ đạo quyết liệt xử lý cán bộ liên quan đến việc đàm phán, quản lý giám sát Formosa”, ông Điều cho biết. Vị Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp kịp thời xử lý môi trường biển để dân yên tâm ra khơi; xác định rõ nơi cách bờ biển bao nhiêu ki-lô-mét là an toàn để dân đến vùng đó đánh bắt, và phải có thông báo công khai, quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng lẫn lộn hải sản nhiễm độc với hải sản an toàn.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội cần có những chương trình hoạt động cụ thể, hiệu quả hơn cho tổ chức mình trong 6 tháng cuối năm và trong những năm tới. Trong đó, tiếp tục tập trung vận động và tham gia về chính sách đối với 4 tỉnh bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường biển. Tuyên truyền trong nhân dân về chủ quyền biên giới quốc gia, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trách nhiệm trong bảo vệ, khai thác tài nguyên và nguồn lực kinh tế biển, tăng cường các hoạt động hướng về ngư dân và biển đảo.