Bài học đắng về sự cảnh giác

(PLO) - Theo báo chí, ngày 2/7 phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn về việc phải đặc biệt quan tâm vấn đề môi trường do đây là KKT có diện tích sử dụng đất, mặt nước lớn, tập trung nhiều nhà máy công nghiệp nặng như lọc hoá dầu, sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện… 
Bài học đắng về sự cảnh giác

Phó Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường kiểm soát nhà nước về đầu tư xây dựng, đặc biệt chú ý hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải.

“Từ bài học của Formosa, phải luôn cảnh giác, luôn có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong từng nhà máy, tuỳ theo mức độ xả thải, phải có hệ thống xử lý nước thải phù hợp. Trong từng khu công nghiệp, phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhắc nhở phải tiến hành giám sát môi trường, xả thải theo đúng các quy định của luật, thông lệ quốc tế, phải nghiệm thu kết quả xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.

Vâng, bài học là quá đắng, không thể không cảnh giác!

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có chỉ đạo về việc thực hiện nhiệm vụ của ngành tài chính tại hội nghị trực tuyến với các địa phương do Bộ Tài chính tổ chức ngày 2/7. Trong chống gian lận thuế, Phó Thủ tướng đề nghị ngành rà soát, giám sát việc thực hiện các chính sách miễn giảm, giãn, hoàn thuế, không để lợi ích nhóm chi phối từ khi xây dựng thể chế, chính sách tới khi thực hiện; bảo đảm chính sách thuế đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch.

Thuế là nguồn thu chính của ngân sách nhà nước. Rất, rất quan trọng trong việc bảo đảm đủ nguồn chi. Do vậy, không thể không quan tâm đến “lợi ích nhóm”, không cảnh giác với “nhóm lợi ích”. Đáng tiếc “nhóm lợi ích” ở đâu thì cũng giống như “bộ phận không nhỏ” trước đây ta không biết chúng nó “mũi né” ở đâu. Tốt nhất là không thể không cảnh giác!

Lịch sử chống giặc ngoại xâm, thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc chúng ta đã rất thành công trong việc nêu cao “cảnh giác cách mạng”. Đây cũng có thể nói là một nguyên nhân của thành công. Đáng tiếc, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là giai đoạn kinh tế thị trường (dẫu định hướng xã hội chủ nghĩa) chúng ta đã mất cảnh giác nghiêm trọng.

Chúng ta rất giỏi về công tác tình báo trong chiến tranh nhưng tình báo kinh tế gần như là khái niệm còn rất mơ hồ, ít hiểu biết về đối tác. Hiện nay, Việt Nam được nhiều chuyên gia dự báo có thể thay thế Trung Quốc thành “công xưởng” của thế giới trong thời gian tới. Tuy vậy, việc tiếp nhận các nhà máy cũ dịch chuyển từ Trung Quốc sang, đặt Việt Nam trước nguy cơ thành “bãi rác” công nghệ nếu không được kiểm soát tốt. 

Điều này có cần phải cảnh giác không? Rất cần, nếu nhìn từ bài học!

Đọc thêm