Để nghìn thu non nước...

Chúng ta đón chào Xuân Tân Mão trong tâm thức nhìn lại chặng đường đã qua và suy tư về chặng mới của dân tộc trong dòng chảy miên viễn của cộng đồng nhân loại, đang ở vào đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI.

Năm “Con hổ” đã đi qua, năm “Con Mèo” đang đến!

Chúng ta đón chào Xuân Tân Mão trong tâm thức lắng nhìn lại chặng đường đã qua và suy tư về chặng mới của dân tộc trong dòng chảy miên viễn của cộng đồng nhân loại, đang ở vào đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI.

Vâng, đúng một nghìn năm đã đi qua, kể từ khi Lý Thái tổ - vị vua Khai sáng - ban “Chiếu dời đô” quyết định chọn Thăng Long, thay cho Hoa Lư, làm kinh đô Đại Việt, mong cho dân tộc bay lên như Rồng.

fhjf

Rực rỡ Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Đã hơn 7 trăm năm, kể từ khi Trần Nhân tông, vua Phật, sau ba lần đại thắng quân Nguyên-Mông đã hào sảng thốt lên “Đất nước hai phen bon ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.

Đã gần 6 trăm năm, kể từ khi người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi kết thúc “Bình Ngô đại cáo” sau đại thắng quân Minh, với ước mong “Xã tắc từ nay bền vững/ Non sông bởi đó đẹp tươi”.

Đã hơn bốn mươi năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang đến hồi gay go quyết liệt nhất, đã lạc quan di chúc lại cho toàn Đảng, toàn dân “Còn non còn nước còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”...

Nối tiếp truyền thống cha ông, công bằng mà nói, chúng ta cũng đã làm được nhiều việc, kể cả những kỳ tích trong công cuộc chống ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập tự chủ. Nhưng cũng phải thẳng thắn mà nói, rất nhiều cơ hội vô giá chúng ta đã bỏ lỡ, nên giấc mơ nghìn đời bay lên “hóa rồng”, “hóa hổ”, vẫn như còn ở phía trước.

Những câu hỏi đặt ra cho lộ trình của đất nước tới tương lai là, vì sao một dân tộc cần cù, dũng cảm, thông minh, ham học hỏi, có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, lại ở vào vị thế địa chính trị - kinh tế khá thuận tiện như đất nước ta, mà cho đến nay vẫn chỉ là một quốc gia phát triền trung bình thấp, vừa thoát khỏi ngưỡng một nước nghèo? Những lực cản nào khiến tinh thần Việt, trí tuệ Việt chưa thể khai phóng thành lực đẩy để thăng hoa? Và, làm thế nào đây để nguồn tiềm lực ấy được khai mở, làm bệ phóng cho dân tộc bay lên, như khát vọng của tiền nhân, như kỳ tích của chú bé làng Gióng thuở nào?

Chúng ta thực sự có là một “tiểu hổ”, hay vẫn chỉ là chú mèo thông minh vặt trong câu chuyện ngụ ngôn “mèo dậy hổ”, thậm chí vẫn mãi quanh quẩn trong trì trệ như tích chuyện dân gian “mèo vẫn hoàn mèo”?.

Để trả lời những câu hỏi này, trọng trách không chỉ đặt lên vai Đảng Cộng sản Việt Nam - người có sứ mạng chèo lái con thuyền dân tộc - mà còn là trách nhiệm của mỗi con dân Việt, bất kể  làm gì, ở đâu, trong thời đại toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, lắm cơ hội và không ít thách thức này.

Chào đón Xuân mới, với Nghị quyết,  Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ mới mà Đại hội XI của Đảng vừa thông qua, cùng với những kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tế, và với một quyết tâm mới, cho ta một niềm hy vọng.

Chợt vang lên hai câu thơ của Thượng tướng Trần Quang Khải làm vào buổi rước xa giá vua Trần về kinh đô Thăng Long, sau đại thắng quân Nguyên - Mông lần 2 (1285) “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” (Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy nghìn thu).

Vâng, non nước sẽ không thể nghìn thu vững bền, nếu chúng ta không “tu nỗ lực”.

TS. Đào Văn Hội – Tổng biên tập

Đọc thêm