Để người chuyển giới trọn vẹn niềm vui…

(PLO) - Ngày 1/1/2017 Bộ luật Dân sự năm 2015 chính thức có hiệu lực đồng nghĩa với việc kể từ thời điểm này pháp luật thừa nhận vấn đề chuyển giới và cho phép chuyển giới. Tuy vậy, từ chính sách đến thực tiễn là một khoảng cách khá xa, rất cần thiết sự tính toán chu toàn, chi tiết và tính dự đoán của các nhà làm luật để phòng tránh được những hệ lụy về mặt luật pháp, xã hội.
Để người chuyển giới  trọn vẹn niềm vui…

Được pháp luật cho phép và bảo vệ

Nhắc đến cụm từ “người chuyển giới ” ở Việt Nam, nhiều người sẽ nhớ ngay đến những tên tuổi như ca sĩ Cindy Thái Tài, chuyên gia trang điểm Lê Duy, cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm… Sau mỗi cái tên như vậy là mỗi cuộc đời không ít nỗi buồn và nước mắt.

Theo số liệu liên quan đến người chuyển giới tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Trung tâm ICS và một số tổ chức bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới công bố, vì bệnh viện Việt Nam bị cấm thực hiện phẫu thuật chuyển giới nên 100% các ca phẫu thuật liên quan tới bộ phận sinh dục đều được thực hiện ở nước ngoài.

Chỉ tính riêng tại một địa điểm phổ biến ở Thái Lan, trung bình 2 ngày có một khách hàng người Việt Nam chuyển giới toàn bộ cơ thể (183 người/năm); trung bình 1 ngày có 3 người Việt Nam chuyển giới một phần cơ thể (1.095 người/năm). Tổng cộng, ước tính có 1.287 người/năm sang Thái Lan làm phẫu thuật chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ.

Tuy nhiên, người chuyển giới ở Việt Nam dù tiến hành phẫu thuật toàn phần, một phần hay không cũng thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều sự kỳ thị. Họ không những gặp khó khăn về mặt giấy tờ hành chính mà còn bị từ chối cơ hội làm việc, học tập, mưu cầu hạnh phúc do sự thiếu kiến thức về cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới của xã hội.

Theo con số iSEE đưa ra, hơn 80% người chuyển giới không hài lòng với tên gọi khai sinh của mình và hơn 69% gặp khó khăn với việc sử dụng tên gọi đó. 86,3% người chuyển giới muốn được thay đổi tên gọi trên giấy tờ, 10,1% người chuyển giới từng thử đi làm thủ tục thay đổi tên gọi (22 người), duy nhất một (01) trường hợp đổi tên thành công, còn lại lý do vì luật cho phép chiếm 52,4%; vì lý do đổi tên không chính đáng chiếm 33,3%...

Thực tế trên đây là một trong những lý do chính để dẫn tới việc cần thiết phải luật hóa vấn đề chuyển đổi giới tính và Bộ luật Dân sự 2015 đã chính thức cho phép việc chuyển đổi giới tính ở Điều 37:“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và các luật khác có liên quan”. Quy định này xem là một bước tiến rất lớn trong việc công nhận, bảo vệ quyền lợi cho những người trong cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, vì  những người chuyển giới Việt Nam sẽ được xác định lại tên họ, thụ hưởng các quyền nhân thân giống như các công dân bình thường khác theo giới tính mà họ đã chuyển đổi. 

Quy định mở để tiếp tục điều chỉnh

Trong kết cấu của Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 37 cho phép chuyển đổi giới tính nằm trong nhóm điều luật về quyền nhân thân. Tuy nhiên, điều luật này không gắn với từ “quyền” như các điều luật khác trong nhóm, từ đó có thể hiểu rằng đây không phải là một quyền. Lý giải về vấn đề này nhiều chuyên gia pháp luật dân sự cho rằng, chuyển đổi giới tính là một vấn đề gây nhiều tranh luận trong thời gian Bộ luật Dân sự năm 2015 ở giai đoạn xây dựng dự thảo. Với quy định tại Điều 37 rõ ràng Bộ luật Dân sự chưa ghi nhận việc chuyển đổi giới tính là một quyền cá nhân, nhưng thay vào đó vấn đề này sẽ được quy định mở để tiếp tục điều chỉnh cụ thể hơn trong các văn bản pháp luật liên quan.

Có thể nói “văn bản pháp luật liên quan” nhất với Điều 37 sẽ là Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Tư pháp và Bộ Y tế phối hợp xây dựng để trình Quốc hội vào năm 2018 theo dự kiến. Trên thực tế, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến chuyển đổi giới tính cần thiết phải có sự tính toán chu toàn, chi tiết và tính dự đoán của các nhà làm luật để phòng tránh được những hệ lụy về mặt luật pháp, xã hội. 

Ví dụ như nghiên cứu iSEE cho thấy cứ 5 người chuyển giới thì sẽ có khoảng 4 người có nhu cầu muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Số còn lại không muốn thì vì các lý do: pháp luật chưa cho phép 51,9%; điều kiện kinh tế chưa đủ 79,6%; sợ bị ảnh hưởng sức khỏe 38,5%; sợ bị kỳ thị 17,0%; gia đình không cho phép 42,7%. Nhưng nội dung Điều 37 cho thấy quyền lợi chỉ thuộc về những người đã phẫu thuật chuyển giới. Từ đó, có thể thấy trong các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xây dựng, nhất thiết phải đề cập đến các vấn đề như: điều kiện được chuyển đổi giới tính; khung về y tế để nhận biết người nào cần chuyển đổi giới tính; mức độ phẫu thuật chuyển giới để được pháp luật thừa nhận quyền nhân thân theo giới tính…

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi giới tính trực tiếp ảnh hưởng đến quyền nhân thân, quyền mưu cầu hạnh phúc và các quyền khác về hôn nhân gia đình nên các văn bản quy phạm pháp luật cần làm rõ các vấn đề liên quan như: một người đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính, sau một thời gian thấy không phù hợp có được chuyển đổi trở lại giới tính khi sinh ra không; người đã có gia đình, con cái có được chuyển đổi giới tính hay không vì theo pháp luật hôn nhân gia đình điều này sẽ phá vỡ mô hình gia đình đã được luật định…

Đọc thêm