Để tiết kiệm năng lượng trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
PLVN

Thực tế thiếu điện vào mùa hè 2023 đã được Tập đoàn điện lực Việt Nam cảnh báo sớm. Hàng loạt kế hoạch điều độ hệ thống đã được lên, các doanh nghiệp được huy động vào cuộc để “hạ nhiệt” cho hệ thống điện quốc gia vào những lúc nắng nóng đỉnh điểm…

Miền Bắc, tháng 5-6 của mùa hè 2023 đã thực sự trở thành một khoảng thời gian không thể quên được với nhiều công nhân lao động tại các khu công nghiệp, nhà máy xi măng...

Bình thường Nguyễn Chí Khương - công nhân một nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Hà Nam làm việc theo ca, ngày 3 ca luân phiên đổi theo từng tuần. Nhưng vào cao điểm nắng nóng, Khương lại nghỉ việc ở nhà, tháng chỉ làm được “10 công” (10 ngày) vì thiếu điện. Khương bảo “mỗi ngày điện lực cấp cho công ty vài MW điện nên phải lên kế hoạch cho từng dây chuyền, từng tổ thay nhau nghỉ”…

UBND tỉnh Bắc Giang thời điểm ấy công bố công khai phương án cắt điện với từng đối tượng. Theo đó, các doanh nghiệp được dùng điện ban ngày để sản xuất, kinh doanh. Buổi tối thì dừng sản xuất để nhường điện cho người dân sinh hoạt. Đây cũng là phương án mà các tỉnh Nam Định, Thái Bình đã sử dụng để đảm bảo tốt nhất việc cấp điện cho các hoạt động sinh hoạt sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Lễ phát động tiết kiệm điện.

Lễ phát động tiết kiệm điện.

Có lẽ chưa năm nào câu chuyện tiết kiệm điện lại nóng như năm nay. Lần đầu tiên, Bộ Công Thương đã phải tổ chức một buổi phát động tiết kiệm điện trên toàn quốc trực tiếp tại trụ sở Tập đoàn điện lực Việt Nam và trực tuyến qua các điểm cầu ở các Sở Công Thương, đặc biệt các tỉnh miền Bắc. Hệ lụy này bắt nguồn từ việc các hồ thủy điện thiếu nước do nước về hồ trong giai đoạn chuẩn bị cho cao điểm nắng nóng thấp hơn hẳn các năm trước.

Có lẽ giai đoạn tháng 5, tháng 6 năm 2023 cũng chính là lúc mà người dân, các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ về việc để hệ thống điện phụ thuộc vào “ông trời” gây ra hệ lụy như thế nào…

Không có mưa, nước không về hồ thủy điện, không đủ nước để phát điện các tổ máy; Một đám mây lướt qua, các tấm pin năng lượng mặt trời lập tức... thiếu nắng; Không có gió, tua bin điện gió sẽ đứng im…

Nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn phải giữ mực nước an toàn trong suốt thời gian miền Bắc thiếu điện.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn phải giữ mực nước an toàn trong suốt thời gian miền Bắc thiếu điện.

Có mặt tại phòng trực vận hành của Nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ khoảng một giờ đồng hồ nhưng chúng tôi đã được chứng kiến những giai đoạn căng thẳng tột độ của hệ thống điện thông qua điều hành từ Trung tâm điều độ hệ thống điện.

Các cú điện thoại liên tục được gọi đến, khi thì thông báo giảm tổ máy, lúc lại đề nghị tăng tổ máy. Thậm chí có lúc, các kỹ sư vận hành ca trực còn nhận được lệnh “tăng cường ngay lập tức 2-3 tổ máy để nâng tổ máy hoạt động lên 5”. Có lẽ, lúc ấy, ở khu vực nào đấy, nhà máy nào đấy đã bị “liệt”, không thể phát điện và thủy điện Hòa Bình phải ngay lập tức “vào lưới”, bù lại phần hụt kia.

Phòng trực vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn "nóng" những ngày tháng 5 - tháng 6.

Phòng trực vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn "nóng" những ngày tháng 5 - tháng 6.

Ông Đỗ Quang Bính - Trưởng ca vận hành Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, ông gắn bó với công việc trực vận hành từ năm 1988. Thời gian đầu - khi các tổ máy chưa hoàn thành (đủ 8 tổ như hiện nay), cũng có năm đã xảy ra hiện tượng rã lưới khi thủy điện Hòa Bình phải phát điện ở mực nước chết.

Theo ông Bính, giai đoạn cao điểm nắng nóng của mùa hè 2023 là giai đoạn đầy khó khăn cho cả hệ thống vì mực nước thấp, trong khi nhu cầu dùng điện lại cao. Đó là lý do khu vực trực vận hành luôn “nóng” dù điều hòa luôn đặt ở nhiệt độ 26 (để bảo vệ thiết bị).

“Nóng” bởi số lượng cuộc điện thoại gọi nhằm “điều tần cho hệ thống điện” luôn cao gấp 3-4 lần so với trước đó, khi thì yêu cầu phát tối thiểu để đảm bảo an ninh hệ thống điện, có lúc lại yêu cầu phát tối đa cũng chỉ để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia…

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã có hơn 11.000 khách hàng ký thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải, trong đó, ở miền Bắc, hết quý I/2023, đã có 3.670 khách hàng sử dụng điện của Tổng công ty điện lực miền Bắc ký thoả thuận tham gia điều chỉnh phụ tải điện, đạt tỷ lệ 98,15%.

Đặc biệt sau hội nghị tiết kiệm điện do Bộ Công Thương phát động trên toàn quốc, phong trào tiết kiệm điện được triển khai và diễn ra trên nhiều mặt trận, từ công sở, cơ quan hành chính đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… Một số đơn vị đã quy định chế tài cụ thể để buộc toàn cơ quan phải thực hiện triệt để việc tiết kiệm điện.

Ông Trương Văn Lợi - Giám đốc sản xuất Công ty CP Xi măng Long Sơn cho biết, trong thời gian qua, Xi măng Long Sơn đã phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải. Đặc biệt trong năm 2022 Công ty đã thực hiện tiết giảm công suất 80MW vào các khung giờ cao điểm nắng nóng theo yêu cầu của Công ty Điện lực Thanh Hóa.

Doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải.

Doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải.

Mùa hè năm 2023, căn cứ vào công suất tiết giảm đã được ký kết trong biên bản thỏa thuận điều chỉnh phụ tải với Công ty Điện lực Thanh Hóa, Xi măng Long Sơn đã xây dựng kịch bản tiết giảm công suất rất chi tiết; Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận có liên quan đến việc tiết giảm công suất. “Ngay khi nhận được thông báo của Điện lực Thanh Hóa về việc tiết giảm công suất trong các thời điểm, chúng tôi lên kế hoạch tiết giảm công suất của các dây chuyền sản xuất theo thứ tự ưu tiên đã xây dựng trước đó để đảm bảo đủ công suất tiết giảm” - ông Lợi thông tin.

Ở Hà Nội và nhiều thành phố khác, việc "hạ nhiệt" cho hệ thống điện vào các giờ cao điểm cũng được thực hiện đồng loạt từ các khách hàng lớn.

Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, dù đang trong cao điểm, lượng hành khách rất đông tuy nhiên Cảng Nội Bài vẫn thực hiện các biện pháp để hưởng ứng và chia sẻ với hệ thống điện quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp tham gia tiết kiệm điện.

Nhiều doanh nghiệp tham gia tiết kiệm điện.

Theo đó, gần 80% ánh sáng khu vực nhà ga đã được tiết giảm; 100% các biển quảng cáo chưa khai thác, hệ thống chiếu sáng khu vực sân đỗ ô tô, đường dẫn vào nhà ga, ánh sáng trang trí vườn cây, tiểu cảnh được tắt hoàn toàn. Các khu vực văn phòng làm việc tại Cảng Nội Bài đồng loạt áp dụng điều chỉnh điều hoà ở mức từ 26 độ C trở lên...

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico) cũng cho biết, với hạ tầng thiết bị lớn và đảm nhiệm chức năng quan trọng là chiếu sáng công cộng trên địa bàn Thủ đô, Hapulico cũng đã có những cơ chế hoạt động đặc biệt trong giai đoạn này.

Những con đường, tuyến phố được chiếu sáng chậm hơn 30 phút; tắt hệ thống sớm trước 30 phút; Vận hành 1/3 công suất chiếu sáng sau thời điểm 22h00 đến khi tắt hệ thống; Tiết giảm 50% công suất chiếu sáng các hệ thống bảng quảng cáo... để phấn đấu tiết giảm 50% công suất so với cùng kỳ.

Không chỉ tham gia “hạ nhiệt” cho hệ thống điện quốc gia, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng từ rất sớm.

Bà Đỗ Thị Thùy Hương – Trưởng nhóm Phát triển bền vững (Công ty Maxport) cho biết, Maxport là công ty may có vốn đầu tư nước ngoài, sở hữu nhiều nhà máy đặt tại các tỉnh miền Bắc. Các công ty may cao điểm sản xuất cũng trùng vào mùa hè nhưng việc tiết kiệm điện được công ty xác định thực hiện trong cả năm. Ngay từ năm 2014, Maxport đã thực hiện kiểm toán năng lượng.

“Trước đó chúng tôi đã biết khu vực tiêu tốn năng lượng nhất là thiết bị sản xuất, chiếm tỷ trọng hơn 50% lượng điện sử dụng. Tuy nhiên, Maxport vẫn luôn xác định thực hành tiết kiệm điện không chỉ bằng cách thay đổi thiết bị mà thay đổi cả ý thức quản trị doanh nghiệp, thực hành hàng ngày với người lao động” - bà Hương nói.

Công ty Maxport thực hành tiết kiệm năng lượng mọi thời điểm.

Công ty Maxport thực hành tiết kiệm năng lượng mọi thời điểm.

Và Maxport bắt đầu thực hành tiết kiệm năng lượng từ việc lắp đặt hệ thống lấy sáng tự nhiên và dùng đèn led. 2 hành động này đã tiết kiệm đáng kể lượng điện dành cho chiếu sáng tại các nhà xưởng của công ty. Từ 2015, Maxport đã đề xuất xây dựng nhà máy mới với mục tiêu cải thiện hiệu quả năng lượng, nhất là máy móc thiết bị, giúp tiết kiệm khoảng 31-40% sản lượng điện mỗi tháng. Bên cạnh đó còn tận dụng các mái nhà xưởng để lắp đặt điện mặt trời mái nhà, chủ động được năng lượng trong cao điểm sản xuất. Với việc sử dụng điện mặt trời mái nhà, công ty đã thay thế được 30-40% lượng điện lưới quốc gia.

Ông Yohei Seki - Giám đốc bộ phận thiết bị nhà xưởng và môi trường, Công ty Canon Việt Nam cho biết, Canon đã và đang áp dụng rất nhiều biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như thay thế các thiết bị hiệu suất cao, cải tiến, tối ưu hóa vận hành thiết bị, bể tích lạnh cho hệ thống chiller, tăng hiệu suất điều hòa bằng quạt trần lớn, sơn cách nhiệt mái nhà chống nóng, cài đặt hẹn giờ cảm biến, sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời ở nhà máy Thăng Long....

Đặc biệt trong đó, Canon đã sử dụng hiệu quả hệ thống bể đá tích lạnh cho hệ thống Chiller nhằm tích trữ năng lượng vào ban đêm hoặc giờ thấp điểm và sử dụng năng lượng đó trong giờ cao điểm. “Vì vậy, vào giờ cao điểm chúng tôi cũng giảm thiểu được một phần lượng điện tiêu thụ giúp giảm tải cho toàn bộ hệ thống.

Canon thực hiện sử dụng năng lượng hiệu quả.

Canon thực hiện sử dụng năng lượng hiệu quả.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp sử dụng các giải pháp như vậy chỉ đáp ứng cho việc thiếu điện trong thời gian rất ngắn khoảng 1-2h chứ không thể đối ứng nếu thiếu điện kéo dài vì quy mô sản xuất của chúng tôi rất lớn” – ông Yohei Seki chia sẻ.

Do đó, trong tương lai Canon dự tính đầu tư thêm hệ thống điện năng lượng mặt trời cho các nhà máy khác ở Bắc Ninh để sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm thiểu phát thải CO2 ra môi trường. Giám đốc bộ phận thiết bị nhà xưởng và môi trường của Canon Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hệ thống quy định, hướng dẫn liên quan đến việc thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế sử dụng điện dư thừa... để các doanh nghiệp có thể dễ dàng xây dựng, lắp đặt và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng xanh từ mặt trời.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Có thể khẳng định rằng, các đối tượng sử dụng điện như người dân, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp đã nâng cao ý thức tiết kiệm trong bối cảnh bị tiết giảm điện trong một số tuần trong giai đoạn tháng 5 - tháng 6. Hiện người dân và doanh nghiệp đã ý thức được rằng nếu cùng nhau sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả cũng sẽ giảm được nguy cơ bị mất điện. Đây là việc phải làm trong bối cảnh bất ổn và khó lường hiện nay của thị trường năng lượng thế giới”.

Đọc thêm