Để tử tù “tâm phục khẩu phục” khi thi hành án

(PLO) - Không chỉ riêng vụ án Huỳnh Văn Nén, hiện còn một số vụ án nghiêm trọng hơn, bị án bị tuyên tử hình nhưng tiếng kêu oan vẫn vang lên không dứt từ các Luật sư, thậm chí cả những đại biểu Quốc hội. Làm sao để các tử tù chết trong trạng thái “tâm phục khẩu phục”!
Ông Nén (hàng đầu, ngồi giữa)trong buổi được xin lỗi
Ông Nén (hàng đầu, ngồi giữa)trong buổi được xin lỗi
Sự kiện người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén bị kết án oan đến hai lần trong hai vụ án giết người, đã bị giam oan hơn 17 năm tù được giải oan và các cơ quan tố tụng tổ chức xin lỗi làm dư luận bàng hoàng phẫn nộ.
Hậu quả của oan án này đối với gia đình ông Nén kinh khiếp. Cơ quan điều tra đã bức cung nhục hình, buộc ông Nén phải khai thêm chín người thân khác trong gia đình cùng lâm vào vòng tù tội. Con ông Nén bơ vơ không người nuôi dạy, phải rơi vào vòng lao lý. Ba thế hệ của gia đình bị cuốn vào bản án oan. 
Vấn đề đặt ra là từ năm 2000, đã có đơn kêu oan cho ông Nén, đã có người tố cáo đích danh hung thủ giết người, thế nhưng các cơ quan tố tụng vẫn làm ngơ. Oan án kéo dài thêm đến 15 năm nữa. 
Không chỉ có ông Nén, hiện còn một số bị án tử hình mà chứng cứ buộc tội mơ hồ, quy định tố tụng bị vi phạm, lời kêu oan thống thiết nhưng các cơ quan tố tụng vẫn cho rằng “chưa đủ cơ sở để kháng nghị giám đốc thẩm”. 
Làm thế nào để hạn chế những oan án như Huỳnh Văn Nén, hạn chế những bản án bất minh?
Chung tình trạng chỉ vin vào lời nhận tội
Không chỉ riêng vụ án Huỳnh Văn Nén, hiện còn một số vụ án nghiêm trọng hơn, bị án bị tuyên tử hình nhưng tiếng kêu oan vẫn vang lên không dứt từ các Luật sư, thậm chí cả những đại biểu Quốc hội.
Có thể dẫn ra đây hai vụ án tiêu biểu là vụ án Hồ Duy Hải bị tuyên án tử hình về tội giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An), vụ Lê Văn Mạnh bị tuyên tử hình về tội giết người hiếp dâm một bé gái ở Thanh Hóa. 
Hai vụ án xảy ra ở những vùng miền khác nhau nhưng có chung đặc điểm với oan án Huỳnh Văn Nén là cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội trong giai đoạn điều tra mà chứng cứ buộc tội không chặt chẽ. 
Họ cũng không hề xem xét các lời kêu oan tại tòa của bị cáo, luật sư, các chứng cứ ngoại phạm cũng như gỡ tội khác. 
Đặc biệt là những vi phạm nghiêm trọng các qui định tố tụng của cơ quan tố tụng cấp dưới trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại được cơ quan cấp trên bỏ qua bằng một lập luận phi pháp luật là “có vi phạm nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”.
Vụ án Hồ Duy Hải gây chấn động dư luận khi được Chủ Tịch nước cho hoãn thi hành án tử hình vào những giờ cuối cùng. Kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy tất cả các hung khí cho rằng Hải dùng giết người đều là đồ giả từ con dao, cái thớt, cái ghế. 
Bà Lê Thị  Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội trực tiếp giám sát vụ án đã phát biểu: “Điều 273 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định đối với một vụ án, chỉ cần một trong bốn căn cứ: có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra; việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ, không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án; kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ Luật Hình sự là đủ điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm”.
Thế nhưng Chánh án TANDTC vẫn trả lời là: “Có sai nhưng chưa đủ cơ sở để kháng nghị giám đốc thẩm”
Tương tự Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh cũng là bị án tử hình đã có quyết định thành lập Hội đồng Thi hành án nhưng được hoãn thi hành vào cuối tháng 10 vừa qua. 
Trong thư đề nghị hoãn thi hành án, một số luật sư viết: "Chúng tôi nhận thấy trong các bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm không có chứng cứ nào khác ngoài lời nhận tội của bị cáo, mà chính bị cáo phủ nhận toàn bộ tại phiên tòa. Điều này đã vi phạm quỵ định tại khoản 2 điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003: "Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị án làm chứng cứ duy nhất để kết tội"”.
Hiện số phận các bị án trên vẫn còn treo lơ lửng. Một số vụ án khác đang kêu oan cũng trong tình trạng tương tự. Vì sao như vậy? 
Theo luật, quyền và trách nhiệm xem xét lại các bản án này lại thuộc về TANDTC và VKSNDTC, nhưng như đã nêu ở phần trên, “căn bệnh” chỉ dựa vào lời khai để buộc tội không loại trừ ai trong ngành tố tụng; nên cả Tòa và Viện không ai chịu làm cái chuyện :tự ghè đá vào chân mình”. 
Luật sư Trần Hồng Phong, người kêu oan cho Hồ Duy Hải đã viết rằng: “Việc giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bây giờ cái khó, thậm chí rất khó - là đối với TANDTC và VKSNDTC chứ không phải luật sư. Vì họ phải vượt qua chính mình. Vì nếu kháng nghị giám đốc thẩm tức là họ thừa nhận mình đã sai, phải bác bỏ chính những quyết định trước đây của mình (các bản án, quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm). Và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín và “ghế”. Nên khó”.
Oan án Huỳnh Văn Nén không phải là sai sót của riêng Tòa án tỉnh Bình Thuận mà còn có trách nhiệm của TANDTC đã từng phúc thẩm hai vụ án này. Nếu ngành Tòa án thật sự nghiêm túc rút kinh nghiệm thì xin hãy “hy sinh” thành tích, ra kháng nghị giám đốc thẩm những bản án đang bị kêu oan, cứu sống những bị án oan ức, hoặc xử tử họ với bản án thật thuyết phục để họ chết trong trạng thái “tâm phục khẩu phục”.

Đọc thêm