Ước nguyện cuối đời của người cha “chẳng may” mắc AIDS

(PLO) - Cả hai vợ chồng anh không may nhiễm căn bệnh thế kỷ vì chăm sóc em gái. Người vợ qua đời, để lại anh với nỗi buồn khổ vô tận và nỗ lực phải sống tiếp để nuôi con. Anh không dám mơ ước gì nhiều vì biết rằng cuộc đời mình như một cuốn phim buồn mà đoạn kết dường như không có hậu.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Nhiễm bệnh thế kỷ từ… tình máu mủ
Đăm chiêu nhìn những chiếc xe tải phóng như điên qua con lộ mới sửa tại ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM giữa buổi trưa oi nồng, bỏng rát, người đàn ông mang căn bệnh thế kỉ ngồi lẩn trong đám bụi mịt trời với mớ tóc xơ cứng, rối bù bên cạnh cái bình xăng con vừa mới vơi đi một ít. Khói xe cứ phả vào mặt, căn nhà thuê đằng sau chỗ anh và tôi ngồi rung lên từng nhịp như ở đây sắp xảy ra động đất. 
Bằng chất giọng lào khào, anh kể cho tôi nghe về cuộc đời bất trắc của anh. Anh bảo chuyện qua rồi, kể lại cũng nhẹ hẫng như uống ly nước lã thôi. Nhưng với người tiếp nhận câu chuyện như tôi thì những hồi ức đắng chát của anh, người đàn ông ngoài 40 tên Lâm (tên nhân vật đã thay đổi) này không khác gì cơn ác mộng của một đời người...
“Em gái của vợ tôi ở trại cai nghiện được trả về cho người thân. Con nhỏ đã ở giai đoạn cuối của AIDS rồi, người yếu nhớt, gầy trơ xương như cái xác vô tri, chỉ khi nhìn thấy hai con mắt thao láo của nó, người ta mới biết nó còn sống. Cha mẹ vợ tôi cũng già quá rồi, đâu còn sức mà lo cho nó. Vợ tôi làm công nhân ở xưởng giày da, có khi phải tăng ca liên tục, lại ôm luôn việc chăm sóc em gái. Dẫu sao nó cũng là em ruột, bỏ nó sao đành. Đến lúc đứa em gái ra đi thì cơ thể vợ tôi cũng dần bệ rạc.
Vợ tôi cứ ho sù sụ suốt. Bả thường lên trạm y tế của phường xin thuốc cảm sốt. Tôi lo quá, cảm sốt gì mà ngày này qua tháng nọ, uống thuốc hoài hổng thấy bớt. Ở xưởng làm người ta sinh nghi, kêu bả đi Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám. Kết quả,vợ tôi đã bị AIDS luôn rồi. Có lẽ trong thời gian chăm sóc cho em gái, vợ của tôi đã sơ suất gì chăng, chứ chúng tôi là dân lao động đầu tắt mặt tối, sống bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt, không đời nào làm chuyện gì bây bạ để phải xấu hổ với lương tâm, chòm xóm…”. 
Hít một hơi thật sâu, anh kể tiếp: “Vợ ra đi theo em gái rồi sức khỏe tôi cũng dần xuống dốc. Sinh nghi, tôi lấy hết can đảm đi kiểm tra. Lúc nhận kết quả, biết mình cũng bị bệnh, trời đất như đang sập trước mắt tôi. Tôi muốn chết, nhưng còn hai đứa nhỏ, tụi nó sẽ ra sao nếu mất  luôn cả tôi. Tôi dặn lòng mình phải sống, nhất định phải sống, bằng niềm tin, bằng sự lạc quan tếu táo vốn có cho đến khi chúng đủ khôn lớn để có thể tự lo cho mình. Hai đứa con tôi được đưa đi xét nghiệm, rất may chúng không bị sao hết…”. 
Ước mơ của người cha
Anh lại cười, nụ cười chua chát thoáng hiện trên gương mặt đen sạm lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi, lấm lem nhớt xe trên má, trên chiếc áo vải bố cũ sờn, trên quần và cả trên đôi tay sần sùi, gân guốc. Nụ cười ấy cứ làm tôi băn khoăn mãi. Ở người đàn ông này, tôi cảm nhận nụ cười của anh phảng phất nỗi buồn bã, quạnh hiu và dường như đang cố che đậy những tâm sự đau đớn chất chứa trong lòng. 
Tôi hỏi: “Hai đứa nhỏ có biết anh bệnh không?”. “Tụi nó cũng biết… sơ sơ vì hay thấy tôi uống thuốc, nhưng không biết tôi bị bệnh gì, còn nhỏ quá mà!”. Tôi hỏi anh thường uống thuốc gì, anh bảo thuốc đề kháng thôi, nhưng anh còn khoẻ lắm, không ho hen gì đâu. 
Thời gian trước, anh còn làm phụ hồ, tiền kiếm được cũng khá. Nhưng từ khi biết mình bị nhiễm bệnh, anh bỏ hẳn. Anh sợ trong lúc làm việc, da dẻ trầy xước, anh em nào lỡ dính phải thì tội nghiệp, phần vì công việc làm hồ cũng nặng nhọc, sức khoẻ của anh thì có hạn, thế là anh sắm chiếc ba gác chở hàng cho người ta. 
Một đêm gần về sáng, hương lộ 14 vắng hoe, chiếc xe của anh bỗng dở chứng, hư hỏng dọc đường. Anh xuống xe, một mình ì ạch đẩy. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, chiếc xe máy của ai đó từ phía sau lao tới quẹt phải anh rồi chạy mất, bỏ lại anh với một chân gãy rời. Cũng may có mấy anh công an đi tuần tra kịp thời đưa anh vào bệnh viện. 
Bình phục, anh nhận chở ống tuýp, tuần ba bữa: hai, tư, sáu, đạp xe mất 1 tiếng 15 phút là ra đến Chợ Lớn giao hàng, mỗi bữa kiếm được 80 ngàn đồng. Rảnh thì nhận thêm lưới về nhà cắt. Lưới bằng thép nên rất cứng, cắt vài miếng là bàn tay đã sưng tấy lên, mỗi miếng tròn theo hình mẫu bìa các tông to bằng cái bát, người ta trả cho anh 200 đồng.
“Tiệm sửa xe này của anh à?” - chỉ cái tiệm trước nhà lúc nào cũng đông thanh niên đến “độ” lại xe, tôi hỏi. “Không, của thằng em hàng xóm đó mà, nó mượn mái hiên nhà tôi để làm ăn, mỗi tháng nó cũng gởi cho tôi một ít để trả tiền điện, nước. Khi có khách đến vá xe, nó hay nhường cho tôi vá để kiếm thêm đồng ra đồng vô”. 
“Anh có hay buồn không?” - tôi chuyển đề tài. Anh lắc đầu bảo người như anh còn gì nữa mà buồn, cứ lạc quan mà sống thôi. Vừa lúc đó, một chiếc xe máy chở cao ngất những can xăng dừng lại trước chỗ chúng tôi đang ngồi, người đàn ông trạc tuổi anh Lâm đeo bên mình cái túi xách nhỏ như mấy bà đi đòi nợ lại gần hỏi thăm anh Lâm có bán được xăng không. Thì ra, anh ta đến thu tiền cái “bình xăng con” mà anh ta đã đặt trước nhà anh Lâm, mỗi ngày ghé qua một lần. 
Anh ta bảo gia đình nào có nhu cầu, anh sẽ lắp đặt, đổ xăng cho bán, sau đó, anh sẽ thu lại toàn bộ số tiền, bình quân 1 lít xăng bán được, anh ta trả cho 2 ngàn đồng. Anh Lâm kể, bình xăng này đặt đây để con anh đứng bán trong ba tháng hè kiếm chút tiền chi phí cho việc học.
Tôi hỏi, nếu cho anh một điều ước, anh ước gì? Anh bảo chỉ mong sao có một miếng đất cất cái nhà nho nhỏ vừa đủ cho ba cha con tá túc, phía sau nhà anh sẽ trồng rau, nuôi gà vịt, còn trước nhà anh sẽ đặt một xe đẩy bán nước mía. Một ước mơ quá giản dị, nhỏ nhoi, với nhiều người nghe nó còn có vẻ nực cười, nhưng với một người đang ở bên dốc cuộc đời như anh, sao nó quá đỗi xa vời và xót xa…

Đọc thêm