Đề xuất 5 địa phương cùng thực hiện dự án vành đai 4 TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để chấm dứt tình trạng kéo dài không thực hiện, Dự án đường vành đai 4 TP HCM vừa được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Thủ tướng cho chia nhỏ làm 5 dự án thành phần theo nguyên tắc phân chia các đoạn theo địa giới hành chính của từng địa phương để triển khai theo phương thức PPP.
Bảng chỉ dẫn hướng tuyến đường Vành đai 4, đặt tại QL13, đoạn qua Bình Dương.
Bảng chỉ dẫn hướng tuyến đường Vành đai 4, đặt tại QL13, đoạn qua Bình Dương.

10 năm, mới có 46km được thực hiện

Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 TP HCM được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011, trong đó tuyến đường có tổng chiều dài quy hoạch khoảng 197,6km, đi qua 5 tỉnh thành Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Long An.

Tại khoản 3 Điều 2 Quyết định 1698/QĐ-TTg quy định UBND các tỉnh thành tổ chức quản lý quỹ đất và triển khai những dự án thành phần có đủ điều kiện; chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng ngày 20/7/2021, đường vành đai 4 TP HCM nằm trong danh mục dự án quan trọng quốc gia và ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 – 2030.

Tuyến đường có tổng chiều dài dự kiến 200km, điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại khu vực thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điểm cuối tại cảng Hiệp Phước, TP HCM. Theo quy hoạch được duyệt, tuyến đường có quy mô 8 làn xe, đi qua 5 tỉnh thành Bà Rịa - Vũng Tàu (khoảng 18km), Đồng Nai (khoảng 45km), Bình Dương (khoảng 49km), TP HCM (khoảng 21km), Long An (khoảng 67km).

Theo Bộ GTVT, đến nay, trên tổng số 200km chiều dài dự kiến theo quy hoạch, tỉnh Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21km, tỉnh Long An đang triển khai đầu tư khoảng 25km. Ngoài hai đoạn được địa phương chủ động đầu tư nêu trên, đến nay cũng mới chỉ có đoạn Bến Lức - Hiệp Phước (khoảng 35km) được nghiên cứu và đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ GTVT nhưng chưa được phê duyệt. Hồ sơ đoạn Bến Lức - Hiệp Phước đã được BQLDA Mỹ Thuận bàn giao cho Long An tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh.

Đề xuất Long An là cơ quan đầu mối

Theo tìm hiểu, để “khơi thông” dự án, nhiều địa phương đề xuất Thủ tướng cho triển khai dự án bằng hình thức PPP hoặc bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Từ tháng 5/2021 đến nay, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần chủ trì các buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM, các địa phương và bộ, ngành liên quan để tìm giải pháp thúc đẩy sớm triển khai dự án trọng điểm này.

Theo chỉ đạo chung tại các cuộc họp bày, Thủ tướng giao Bộ GTVT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan xác định các dự án thành phần qua từng địa phương để giao cho các địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công - tư PPP.

Mới đây, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập phương án phân chia các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án; yêu cầu UBND các địa phương khẩn trương làm việc với Bộ GTVT và các đơn vị tư vấn, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án thành phần để chủ trì triển khai thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo nói trên của Thủ tướng, trên cơ sở được các địa phương nhất trí, Bộ GTVT mới đây cũng đã có văn bản thống nhất phạm vi các dự án thành phần để giao các tỉnh thành là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường vành đai 4 TP HCM.

Cụ thể, theo phương án Bộ GTVT đưa ra, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18km; Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45km; Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49km; TP HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) chiều dài khoảng 17km; UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai – Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP HCM), chiều dài khoảng 71km.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay, các địa phương vẫn chưa có văn bản báo cáo Thủ tướng quyết định giao làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Để sớm triển khai các dự án thành phần của đường vành đai 4 TP HCM, trong Văn bản 7928/BGTVT-ĐTCT ngày 4/8/2021, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần của dự án theo nguyên tắc phân chia các đoạn theo địa giới hành chính của từng địa phương đã được Thủ tướng chỉ đạo. Đồng thời giao UBND tỉnh Long An (do chiều dài đoạn qua địa phận tỉnh Long An lớn nhất) là cơ quan đầu mối, tổng hợp, chủ trì tổ chức triển khai thực hiện tổng thể dự án đường Vành đai 4 TP HCM.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường vành đai 4 TP HCM, Bộ GTVT đề nghị các địa phương khẩn trương nghiên cứu sắp xếp nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai dự án; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định; tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch và triển khai các dự án công nghiệp, thương mại, đô thị, dân cư hai bên đường để khai thác có hiệu quả đường vành đai 4 và tạo nguồn lực bổ sung cho ngân sách nhà nước; chủ động hình thành bộ máy điều hành, quản lý dự án.

Đọc thêm