Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, lãnh đạo Vụ Pháp chế của các bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Vẫn còn tình trạng xin rút, lùi
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hàng tháng, Bộ Tư pháp đều có công văn đôn đốc các bộ, ngành chủ động việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019.
Riêng tháng 12/2018, Bộ Tư apháp có 2 công văn gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đôn đốc việc lập đề nghị, trong đó có các đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến Hiệp định CPTPP (Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thực phẩm)…
Tuy nhiên, mặc dù Bộ Tư pháp thường xuyên đôn đốc và đôn đốc từ rất sớm nhưng các bộ, ngành vẫn chưa thực sự chủ động trong việc lập đề nghị và gửi hồ sơ về Bộ Tư pháp. Qua theo dõi, tổng hợp, Bộ Tư pháp chưa nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của các bộ, cơ quan ngang bộ, mới nhận được 5 bộ hồ sơ.
Trong khi qua nắm tình hình, có tổng cộng 19 dự án luật, pháp lệnh đã và đang lập đề nghị để đề xuất đưa vào Chương trình năm 2020 và điều chỉnh bổ sung, lùi hoặc rút khỏi Chương trình năm 2019.
Thông tin cụ thể về Chương trình năm 2020, theo ông Tuyến, dự kiến Đề nghị của Chính phủ gồm 10 dự án, trong đó 4 dự án được gối từ Chương trình năm 2019 sang và 6 dự án đề xuất mới (Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường).
Còn về điều chỉnh Chương trình năm 2019, đề nghị rút khỏi 2 dự án (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai); đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; đề nghị bổ sung 5 dự án (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, Pháp lệnh Gìn giữ hòa bình thế giới, Luật sửa một số Luật để thực thi Hiệp định CPTPP).
Có những dự án “không còn đường lùi”
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã lý giải cụ thể về những dự án đề xuất mới, những dự án điều chỉnh. Đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Bộ đã lập đề nghị 2 dự án và đã được Bộ Tư pháp thẩm định, nhưng vừa qua Bộ đề nghị được tiếp tục nghiên cứu và đề xuất vào chương trình sau.
Trong đó, có Luật Cư trú sửa đổi mà một trong những mục tiêu đặt ra là không quản lý dân cư bằng hộ khẩu, nhưng do phải phụ thuộc vào việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đến nay khó cán “đích” hoàn thành vào năm 2020.
Riêng về dự án Luật sửa đổi một số Luật để thực thi Hiệp định CPTPP, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn cho hay: 3 Luật liên quan (Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thực phẩm) do 3 bộ khác nhau chủ trì, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp xây dựng.
Vì vậy, ông Sơn đề nghị các bộ, ngành liên quan, các Ủy ban của Quốc hội sớm cử người phối hợp với Bộ Công Thương, tham gia vào Ban soạn thảo để kịp trình phiên họp thường kỳ tháng 1 của Chính phủ.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng đánh giá các bộ, ngành còn bị động trong khi áp lực hoàn thiện thể chế đặt ra với Chính phủ rất lớn. Trên cơ sở đó, ông Hưng nhất trí phải có nguyên tắc ưu tiên, nhất là những dự án triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương “không còn đường lùi đâu”.
Lưu ý phiên họp thường kỳ sẽ diễn ra cuối tháng 1/2019, ông Hưng đề nghị Bộ Tư pháp, các bộ, ngành phải khẩn trương chuẩn bị cho phiên họp này, đồng thời cam kết Văn phòng Chính phủ cũng sẽ khẩn trương làm những việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình trên tinh thần thúc đẩy công việc chung.
Qua công tác chuẩn bị, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận thấy là có thể yên tâm về các dự án được đưa vào nhưng tổng thể chung thì vẫn chậm và các bộ, ngành vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc lập đề nghị.
Trước tình hình này, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục “vừa chạy vừa xếp hàng” cùng các bộ, ngành nhằm đảm bảo trình Chính phủ trong tháng 1/2019. Bàn về từng đề nghị cụ thể, Bộ trưởng cho biết, nếu tính về số lượng thì 24 dự án thuộc Chương trình năm 2019 (trường hợp dự kiến điều chỉnh được thông qua) là có thể chấp nhận được, bảo đảm tính khả thi của Chương trình.