Có cơ chế đặc thù cho y tế Thủ đô phát triển hiện đại
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện đang được TP Hà Nội tích cực chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện. Trong các chính sách đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chính sách phát triển hệ thống y tế Thủ đô hết sức quan trọng, tác động rất lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hà Nội mong muốn các ý kiến đề xuất, đưa ra được chính sách ưu việt, vượt trội, có tính khả thi trong thực tiễn để đưa vào Luật, tạo tiền đề, tạo cơ sở pháp lý, để Hà Nội phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại…
Báo cáo tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn TP có nhiều đổi mới, tiến bộ và chất lượng không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, hệ thống y tế của TP trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đáng chú ý là nhân lực y tế còn thiếu và yếu, tỷ lệ y bác sỹ của TP trên số dân còn thấp, đặc biệt đối với các trạm y tế cấp xã, có nơi trên 60.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ y tế…
Vì vậy, Hà Nội đề xuất chính sách “Phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân” với các giải pháp chính sách như quy định các biện pháp ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp và các biện pháp khác để tăng cường xã hội hóa y tế, phát triển hệ thống an sinh xã hội; quy định các chính sách đặc thù để phát triển hệ thống y tế cơ sở và dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân thực hành theo nguyên lý y học gia đình.
Cùng với đó là quy định chính sách phát triển nhân lực y tế dự phòng ngoài những quy định hiện hành (chế độ làm việc, mức lương…) để thực hiện hiệu quả công tác cảnh báo, giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, chủ động triển khai các biện pháp chống dịch, kiểm soát phòng chống bệnh không lây nhiễm; quyết định mức chi, nội dung chi cho an sinh xã hội cao hơn và phạm vi đối tượng được thụ hưởng rộng hơn so với quy định chung, tiến tới bao phủ toàn dân…
Tạo động lực phát triển y học gia đình
Góp ý, thảo luận tại Hội thảo, ThS.BS Trần Việt Anh (Đại học Y Hà Nội) đề xuất, trong lộ trình xây dựng Luật Thủ đô, rất cần thiết nghiên cứu một số chính sách đặc thù giúp phát triển y tế Thủ đô theo nguyên lý y học gia đình. Trong đó, việc huy động sự tham gia của các đơn vị y tế ngoài công lập hiện cũng đang sở hữu một số lượng nhân sự y tế lành nghề khá dồi dào. Chính sách hướng tới mục tiêu xây dựng được một môi trường làm việc công khai, minh bạch, công bằng với các nhân viên y tế để giúp họ toàn tâm toàn ý tham gia trong chuỗi cung ứng dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô trong kỷ nguyên hậu đại dịch COVID-19.
“Để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có, được đào tạo và có chất lượng từ hệ thống y tế ngoài công lập, cần có chính sách ưu đãi đặc thù để cho phép hệ thống y tế ngoài công lập tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ chăm sóc ban đầu đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, ưu đãi đặc thù về thời gian làm việc, thí điểm khoán chi phí trên đầu thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng các gói dịch vụ y tế theo yêu cầu tại tuyến y tế cơ sở...”, ông Việt Anh kiến nghị.
|
Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế Trần Thị Mai Oanh mong muốn tăng mức chi cho con người. |
TS Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế thì đề nghị chú trọng đến các giải pháp đầu tư như mở rộng quy mô giường bệnh. khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư cho y tế theo hình thức đối tác công tư. Ngoài ra, bà Oanh thông tin, tại 2 bệnh viện thực hiện tự chủ toàn phần, mức chi cho con người còn khiêm tốn (5-10%), còn mức chi cho con người của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên đến 33,6%. Bộ Y tế sẽ tiếp tục cố gắng, vận động tăng chi cho con người nhưng thời điểm Trung ương chưa có chính sách vĩ mô, bà Oanh cho rằng, Thủ đô cần có đặc thù để thu hút nguồn nhân lực.
Trong khi đó, PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Y Hà Nội nêu, Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù nhằm xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Chẳng hạn, Hà Nội phải xây dựng hệ thống chính sách về y tế một cách đồng bộ từ xã, phường đến Trung ương, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến.
Đồng thời, chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phải phù hợp nhằm duy trì đội ngũ cán bộ y tế làm việc tại các trạm y tế cơ sở của Thủ đô; quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế phù hợp để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sỹ làm việc cho cơ sở y tế tư nhân, kết nối và bổ trợ với hệ thống y tế hiện hành.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Phương Thủy kỳ vọng, Luật Thủ đô sửa đổi tới đây sẽ đáp ứng yêu cầu, mong muốn của nhân dân về phát triển y tế Thủ đô hiện đại, tập trung vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế gia đình, bởi Luật hiện hành mới chỉ có 1 điều quy định đơn giản về y học gia đình.
|
Quang cảnh Hội thảo. |
Bà Thủy tâm niệm, y học gia đình phải đẩy mạnh, nhưng phải có lộ trình, với cơ chế đặc biệt tạo động lực cho y tế gia đình phát triển như được bảo hiểm y tế chi trả một khoản để trang trải kinh phí, thu hút người dân đến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cùng với đó là phải làm sao hạn chế thấp nhất sự phân biệt giữa khu vực công và khu vực tư, quan trọng là tạo được sự liên thông, sử dụng bác sỹ giữa hai khu vực này…
Tổng kết Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến ghi nhận các ý kiến góp ý trách nhiệm, xác đáng, thể hiện tình cảm với Hà Nội của các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là các đề xuất về cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư phát triển y tế, hỗ trợ đội ngũ làm công tác y tế có thể yên tâm công tác, cống hiến.
Ông Tuyến nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động, góp phần xây dựng Luật Thủ đô bảo đảm tính khả thi, chất lượng; đồng thời, mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đóng góp ý kiến đầy tâm huyết trong xây dựng Luật Thủ đô.