Ngân hàng vào cuộc sớm nhất
Trong số các Bộ ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NHNN được đánh giá là đơn vị vào cuộc sớm và tích cực nhất.
Ngay khi dịch bệnh xảy ra, NHNN đã chủ động nắm bắt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay. NHNN cũng chỉ đạo Công ty CP chuyển mạch quốc gia (Napas), các TCTD miễn, giảm các phí dịch vụ thanh toán; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn mặn qua tài khoản ngân hàng; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ thông qua phương thức thanh toán trực tuyến qua ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, hệ thống các TCTD đã vào cuộc kịp thời, khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng và đạt được những kết quả tích cực.
Về hỗ trợ tín dụng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, đến ngày 14/9/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 162 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 4.067 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75,2 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 1,4 triệu khách hàng với dư nợ trên 55 nghìn tỷ đồng.
Trong việc miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, đến hết năm 2020, tổng số tiền phí giao dịch thanh toán các TCTD miễn, giảm cho khách hàng qua Napas khoảng 1.004 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục đồng hành...
Trả lời PLVN về định hướng chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, về chủ trương, NHNN rất muốn và sẽ cố gắng phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
“Chính vì vậy, trong điều hành, chúng tôi sẽ điều tiết thanh khoản tạo thuận lợi nhất cho TCTC, sẵn sàng cho vay tái cấp vốn, nếu các TCTC có nhu cầu nhằm đảm bảo các TCTC có nguồn vốn rẻ để cho doanh nghiệp, người dân vay...”- bà Hồng cho hay.
Cùng với đó, NHNN cũng hỗ trợ các TCTD tiết giảm chi phí và chỉ đạo các TCTD tiếp tục cân đối nguồn lực tài chính của mình, tiết kiệm chi phí, kể cả lương thưởng, trả cổ tức tiền mặt, để có nguồn vốn rẻ hỗ trợ khách vay.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ theo dõi sát kinh tế vĩ mô, “sức khỏe” và thanh khoản của hệ thống để đưa ra quyết định điều chỉnh các chính sách tiền tệ, trong đó có lãi suất, để vừa hỗ trợ nền kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng...”- Phó Thống đốc khẳng định.
Về định hướng chính sách cho hỗ trợ Covid-19 đợt 2, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ được vài tháng, NHNN đã chủ động tổ chức các đoàn khảo sát tại một số tỉnh, thành phố để nắm bắt vướng mắc, từ đó đưa ra dự thảo sửa đổi... Tuy nhiên, do sửa đổi Thông tư liên quan chức năng, nhiệm vụ một số bộ, ngành, nên trong quá trình sửa đổi phải xin ý kiến, gần đây nhất là ý kiến của Bộ Tài chính.
“Sau khi thống nhất, NHNN sẽ sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Đồng thời, NHNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về thanh khoản, hỗ trợ các TCTD tiết giảm thêm chi phí để có nguồn vốn rẻ cho người dân, doanh nghiệp vay...”- bà Hồng khẳng định.
Nhắc lại cam kết sẽ cố gắng đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, song đại diện NHNN nhấn mạnh sẽ không lơ là công tác đảm bảo an toàn hệ thống...
Liên quan đến chính sách mảng tín dụng, trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đề nghị ngân hàng xem xét, mở rộng hình thức vay tín chấp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu hoạt động.
Ví dụ, cho các doanh nghiệp du lịch vay với số tiền căn cứ vào lịch sử nộp thuế của doanh nghiệp mà không cần thế chấp; Tiếp tục ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay; Hỗ trợ các gói vay trả lương với lãi suất đặc biệt ưu đãi.
Dư địa chính sách tiền tệ đang dần bị thu hẹp
Chia sẻ về gói hỗ trợ nền kinh tế lần 2 của Chính phủ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại các cuộc họp tham vấn ý kiến gần đây, các chuyên gia tài chính - ngân hàng đều đánh giá cao sự nhanh nhạy, kịp thời, có hiệu quả cụ thể của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, so với các nước, các gói hỗ trợ của Việt Nam còn nhỏ. Vì vậy, phần lớn ý kiến đều cho rằng, cần có các chính sách quyết liệt hơn để hỗ trợ người dân, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tài khóa.
Trong đánh giá mới nhất về Covid-19 và chính sách ứng phó của Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, các giải pháp chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua là phù hợp, song dư địa chính sách tiền tệ đang dần bị thu hẹp. IMF khuyến nghị, Việt Nam cần có liều lượng chính sách nhiều hơn từ chính sách tài khóa.
Khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế rất yếu
Trao đổi với báo chí, Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dư địa giảm lãi suất sâu nữa cũng không còn nhiều. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống, thì trước tiên cần phải giảm lãi suất huy động, mà giảm lãi suất huy động thấp hơn cả lạm phát thì người dân sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Về nguyên tắc, lãi suất huy động phải cao hơn tỷ lệ lạm phát khoảng 2%, ví dụ tỷ lệ lạm phát năm nay là 4% thì lãi suất huy động sẽ ở mức 6%/năm. Theo đó, lãi suất cho vay là 9%/năm. Nếu muốn tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thì phải giảm lạm phát xuống. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. “Vấn đề hiện nay là khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế rất yếu. Dù có giảm lãi vay, thì cũng khó kích thích tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…”- Chuyên gia này nhận định.