Chiều 20/4, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, toàn tỉnh hiện có 5.706 tàu cá có chiều dài 6m trở lên được cấp đăng ký tàu cá theo quy định, trong đó có 3.287 tàu cá khai thác vùng khơi. Thời gian qua, mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt chống khai thác IUU, tuy nhiên tình trạng tàu cá bị bắt giữ vẫn chưa chấm dứt hẳn. Cụ thể, từ ngày 25/12/2022 đến nay, tỉnh này có 3 tàu cá với 16 thuyền viên bị Malaysia bắt giữ.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan, còn tình trạng chủ tàu hoặc thuyền trưởng được thuê mướn đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong số 2/3 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vừa qua đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, nhiều năm liền chủ tàu không đưa tàu về địa phương, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý hoạt động tàu cá. Tàu cá vi phạm chủ yếu là tàu nhỏ có chiều dài dưới 15m, tàu cũ, giá trị thấp, không giám sát được quá trình hoạt động trên biển, không kịp thời phát hiện và cảnh báo.
|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Địa phương này đang thực hiện đợt cao điểm 180 ngày ra quân giải quyết dứt điểm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Các lực lượng chức năng như: Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào bến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm IUU.
“Bình Định cũng đang tập trung rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng, nghề khai thác có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là các tàu cá có chiều dài dưới 15m thường xuyên di chuyển ngư trường các tỉnh phía Nam, không quy định phải trang bị giám sát hành trình để triển khai các giải pháp quyết liệt ngăn chặn vi phạm”, ông Phúc cho biết.
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, qua rà soát từ năm 2020 đến nay, tàu cá Bình Định vi phạm đều xuất phát từ các tỉnh khác. Vì thế, Bình Định đề xuất Bộ NN&PTNT có chỉ đạo cụ thể về việc kiểm soát tàu ra, vào bến của từng địa phương. Đối với công tác quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ, các thông tin, dữ liệu của sản phẩm đảm bảo đúng quy định.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Bình Định cần quản lý và giám sát đội tàu, trong đó phải bổ sung một số công cụ để tăng cường kiểm soát; tăng cường truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm hành chính.
“Tàu mua bán đến ngày nào phải kết thúc. Tàu cá sang các tỉnh khác phải xử lý thế nào chứ không thể nói chung chung. Riêng quản lý đội tàu phải có công cụ, sắp sẽ bổ sung. Còn lại 4 nội dung là truyền thông, quản lý giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm, tỉnh đã cố gắng rồi thì cố gắng thêm”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.