Đề xuất công khai doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

(PLVN) - Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bên cạnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến các biện pháp xử lý vi phạm chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Quang cảnh phiên làm việc sáng 27/5. (Ảnh: Phạm Thắng)
Quang cảnh phiên làm việc sáng 27/5. (Ảnh: Phạm Thắng)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi bổ sung chế tài tạm hoãn xuất cảnh quy định theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Góp ý nội dung này, Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm… để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. Quy định này cũng nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy. (Ảnh: Nghĩa Đức)

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy. (Ảnh: Nghĩa Đức)

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) nhận thấy, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa các biện pháp xử lý vi phạm chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 37 đến Điều 40 theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, có sự chưa tương thích giữa Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vào xử lý hoặc chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn. (Ảnh: Phạm Thắng)

Đại biểu Võ Mạnh Sơn. (Ảnh: Phạm Thắng)

Còn Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị cần có các mức số tiền khác nhau về hành vi chậm đóng bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm, không nên quy định mức giống nhau như dự thảo Luật.

Đồng thời, cần xác định làm rõ việc nộp số tiền này có đồng nghĩa với việc nộp phạt hành vi vi phạm hay không để tránh trùng lặp với các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Cần phân hóa các mức xử phạt vi phạm hành chính khách nhau giữa chậm đóng, trốn đóng do tính chất và mức độ vi phạm giữa chậm đóng và trốn đóng là khác nhau…

Đọc thêm