Đề xuất cụ thể về thẩm quyền, trình tự Thanh tra chuyên ngành của lực lượng CAND

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Công an vừa trình dự thảo Thông tư quy định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân để lấy ý kiến nhân dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thẩm quyền ra quyết định thanh tra

Theo dự thảo của Bộ Công an, Thông tư này quy định về nguyên tắc, hình thức, thẩm quyền, trình tự tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân (CAND).

Về thẩm quyền ra quyết định thanh tra theo kế hoạch, theo dự thảo Thông tư, Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thanh tra trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là UBND tỉnh) và những cuộc thanh tra liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của Bộ Công an.

Chánh Thanh tra Bộ Công an ra quyết định thanh tra các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của Bộ Công an đối với cơ quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi cả nước hoặc liên quan đến nhiều địa phương; cơ quan, tổ chức ở Trung ương; cơ quan, tổ chức ở địa phương. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ra quyết định thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền được giao trong lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.

Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thanh tra những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý khi cần thiết hoặc thanh tra các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh quản lý và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo đề nghị của Chánh Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chánh Thanh tra Công an tỉnh ra quyết định thanh tra những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của Công an tỉnh đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.

Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, hoạt động của Đoàn thanh tra phải được thể hiện trong nhật ký Đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm trực tiếp ghi nhật ký hoặc giao cho thành viên Đoàn thanh tra ghi nhật ký bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, rõ ràng, phản ánh đầy đủ công việc diễn ra trong quá trình thanh tra.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải tổ chức công bố quyết định thanh tra. Sau khi công bố quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra theo lịch đã thống nhất tại buổi công bố quyết định thanh tra. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra (trừ trường hợp phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền), người ra quyết định thanh tra phải ban hành kết luận thanh tra.

Thời hạn công khai kết luận thanh tra

Về công khai kết luận thanh tra, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản thông báo cho đối tượng thanh tra về việc tổ chức công khai kết luận thanh tra theo sự chỉ đạo của người ban hành kết luận thanh tra. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành, kết luận thanh tra phải được công khai, trừ kết luận thanh tra có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Theo dự thảo Thông tư, việc công khai kết luận thanh tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Thanh tra, Điều 46 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP và quy định sau: Công bố kết luận thanh tra tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra kết luận thanh tra hoặc người được ủy quyền, đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo. Việc công bố kết luận thanh tra tại cuộc họp phải được lập thành biên bản để lưu hồ sơ cuộc thanh tra và giao cho đối tượng thanh tra. Trường hợp đã lấy ý kiến vào dự thảo thì gửi kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra biết và tổ chức thực hiện các kiến nghị nêu trong kết luận.

Ngoài việc công khai kết luận thanh tra theo quy định tại điểm a khoản này, người ký kết luận thanh tra phải thực hiện ít nhất một trong các hình thức sau đây nếu kết luận thanh tra không có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước: thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, gồm: báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Thời gian thông báo trên báo nói, báo điện tử ít nhất 2 lần; trên báo hình ít nhất 2 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất 1 số phát hành; thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiến hành thanh tra hoặc cơ quan Công an cùng cấp ít nhất 5 ngày liên tục; giao cho đối tượng thanh tra tự niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc; thời gian niêm yết ít nhất 15 ngày liên tục.

Cuối cùng, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành, người ra kết luận thanh tra có trách nhiệm cung cấp một phần hoặc toàn bộ kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra.

Đọc thêm