Đề xuất được dư luận quan tâm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước. Đây là một văn bản được dư luận rất quan tâm, vì lần đầu tiên cơ quan chức năng đề xuất cán bộ được bổ nhiệm vị trí cao hơn cần có sản phẩm cụ thể, phù hợp với vị trí dự kiến bổ nhiệm để chống “chạy chức, chạy quyền”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong thực tế, chúng ta đã có Nghị quyết 39/2015, Quy định số 89/2017 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 26/2018 Hội nghị Trung ương 7 khóa 12, Nghị quyết số 28/2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa 13 xác định nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, chú trọng trình độ, năng lực, phẩm chất.

Luật Cán bộ công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung 2019) cũng quy định việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện. Tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP, Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng trình Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.

Trước đây, những tiêu chuẩn này do cấp Bộ trưởng quản lý ngành quy định. Và để tránh tình trạng mỗi Bộ, ngành, địa phương có quy định khác nhau, việc Chính phủ ban hành quy định về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý chung là rất cần thiết. Đây sẽ là mức tối thiểu phải đáp ứng, còn Bộ, ngành, địa phương nào thấy cần tiêu chuẩn đặc thù thì có thể quy định cao hơn.

Nói cách khác, cơ sở pháp lý của yêu cầu phải quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, đã có đầy đủ.

Trả lời báo chí về dự thảo Nghị định, đại diện Bộ Nội vụ cho hay đã cố gắng lượng hóa tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ lên chức danh cao hơn, trong đó bắt buộc phải có sản phẩm cụ thể ở chức vụ hoặc vị trí việc làm đang giữ. Cán bộ muốn được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn phải đáp ứng điều kiện là có sản phẩm cụ thể tại vị trí đang công tác. Sản phẩm này phải phù hợp với vị trí dự kiến được bổ nhiệm. Tiêu chí này rất quan trọng nhằm lựa chọn được cán bộ lãnh đạo thật sự có năng lực, trình độ, thể hiện bằng sản phẩm cụ thể; lượng hóa được chứ không định tính.

Mỗi vị trí việc làm ở các cơ quan khác nhau thì sản phẩm đầu ra không thể giống nhau. Dự thảo Nghị định giao Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đặc thù của mình quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện về thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể tại vị trí đang đảm nhiệm phù hợp với vị trí lãnh đạo, quản lý dự kiến bổ nhiệm để bảo đảm lựa chọn đúng người có năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Quan điểm nêu trên của Bộ Nội vụ, được nhiều ý kiến ủng hộ nhiệt tình. Để bổ nhiệm một cán bộ quản lý, lãnh đạo, ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức, tư tưởng chính trị, năng lực quản lý, thì năng lực chuyên môn cũng là yếu tố rất quan trọng. Nếu đề xuất trên được chấp thuận, thông qua, kỳ vọng đất nước sẽ không chỉ có đội ngũ những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách qua thực tiễn; mà còn góp phần vào việc chống nạn “chạy chức, chạy quyền” đâu đó vẫn xảy ra.

Đọc thêm