Đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước

(PLVN) - Trước tác động của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ đề xuất giảm phí trước bạ cho người Việt mua ôtô. 
Đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước

Hai giải pháp được Bộ này đưa ra là giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 và xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ngành ôtô nội. 

Trước đó, Bộ Công thương cũng nêu kiến nghị tương tự lên Chính phủ về việc giảm 50% phí trước bạ cho ôtô. Trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) hôm 20/3 cũng có văn bản gửi Chính phủ và các Bộ, đề xuất giảm 50% thuế TTĐB ôtô và phí trước bạ cho khách hàng mua xe. 

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ, nếu thành hiện thực, không giúp giảm giá xe nhưng giảm chi phí để lăn bánh một mẫu ôtô mới. Bởi, để lăn bánh một mẫu ôtô mới, người mua cần thêm nhiều khoản phí khác như: phí trước bạ (10-12% giá xe niêm yết), phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí ra biển số. Giá xe càng cao, phí trước bạ càng lớn.  

Hiện nay, mức thu lệ phí trước bạ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Con số có thể điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% quy định chung, tức không vượt ngưỡng 15%. Hiện nay, lệ phí trước bạ đối với ôtô con tại Hà Nội là 12%. TPHCM, Đà Nẵng 10%.

Xe bán tải từ tháng 4/2019 có lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu ôtô con. Ở lần nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi, mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Nếu đề xuất thành hiện thực sẽ gây chênh lệch lớn giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu, vì xe nhập không được ưu đãi. Việt Nam không phải nước duy nhất áp dụng hình thức này, Myanmar cũng có chính sách tương tự.

Thị trường ôtô Việt Nam trong quý I/2020 ghi nhận mức doanh số bán ra thấp nhất trong cùng kỳ 5 năm qua. Các thành viên VAMA bán 50.009 xe, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. TC Motor, hãng bán các mẫu xe lắp ráp Hyundai tiêu thụ 65.371 xe, giảm 38%.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ôtô) tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Trong tháng 3, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam, nhiều nhà máy của các hãng như Ford, Toyota, Honda, Nissan, TC Motor (lắp ráp xe Hyundai), VinFast đã tạm ngưng hoạt động. Nhiều showroom ôtô đóng cửa theo chỉ thị cách ly xã hội của Chính phủ.

VAMA cho biết, tiêu thụ các hãng thuộc tổ chức này có thể giảm 15% so với dự đoán ban đầu trong 2020.

Đọc thêm