Đề xuất hỗ trợ thêm để người dân “lên đời” xe công nông

(PLO) - Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu những chính sách để hỗ trợ thay thế phương tiện tự chế một cách phù hợp.
Đề xuất hỗ trợ thêm để người dân “lên đời” xe công nông
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), sau 6 năm thực hiện, chủ trương đình chỉ lưu hành các loại xe công nông, xe 3 bánh, xe 4 bánh  tự chế đã góp phần tích cực trong việc kiềm chế tai nạn giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM. 
Mặc dù đã “cấm” vận hành nhưng thực tế loại phương tiện thô sơ này hàng ngày vẫn chạy trên các con đường địa phương, đặc biệt là những nơi có ít sự xuất hiện của lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng loại xe này vẫn hoạt động bởi quy định cấm lưu hành các loại xe này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn việc làm và đời sống của một bộ phận người dân đang sử dụng loại xe này làm phương tiện kiếm sống hàng ngày. 
Thế nên tình trạng xe công nông, ba - bốn bánh tự chế vẫn lén lút tham gia giao thông hoặc hoạt động công khai nhưng rất khó để xử lý. Điều này có thể bắt gặp ở rất nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, như tại Đắc Lắk hiện có tới 50.000 máy kéo nhỏ đang được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, chuyên chở vật tư nông nghiệp.
Trong khi đó, việc thực hiện chuyển đổi phương tiện từ công nông sang các loại xe tải nhẹ thực sự lại được đánh giá là chưa hợp lý, bởi theo nhận định, các loại phương tiện này chỉ đáp ứng tốt hơn về mặt an toàn giao thông, còn mức độ phù hợp, tính cơ động và tiện dụng của loại phương tiện này chưa cao.
Ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng “do một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc” nên chủ trương loại bỏ xe công nông, xe 3 bánh tự chế đã hết niên hạn sử dụng chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Điều này một phần bắt nguồn từ việc một số nơi có số lượng lớn phương tiện là xe công nông thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nhưng do không đầy đủ hoặc không có thủ tục hồ sơ dẫn đến không chuyển đổi được. Điển hình như tại Đắk Lắk có tới gần 3 nghìn xe công nông và xe tải quá niên hạn sử dụng song chỉ có 352 xe công nông được hỗ trợ chuyển đổi.
Theo ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng  Bộ GTVT, vấn đề đặt ra là loại phương tiện này liên quan mật thiết đến người dân, đặc biệt là người nghèo, chính sách cần có phương tiện để mưu sinh nên việc chuyển đổi, tạm dừng hoạt động cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và có những sự hỗ trợ cần thiết. 
Tới đây, theo ông Thọ, Bộ GTVT sẽ  báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất những giải pháp tiếp tục thực hiện trong khoảng 5 năm tới để hướng đến mục tiêu năm 2020 cả nước cơ bản không còn những loại phương tiện tự chế. 
Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu những chính sách để hỗ trợ thay thế phương tiện một cách phù hợp, cả đối với các đơn vị sản xuất phương tiện thay thế lẫn có nhu cầu sử dụng bằng cho vay lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp tục chuyển đổi phương tiện kiếm sống một cách hiệu quả.

Đọc thêm