Trước đó, Quốc hội có Nghị quyết với mục tiêu đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác cuối năm 2025. Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 năm nữa là tới thời điểm này, nên căn cứ tình hình thực tế, ACV cho rằng có một số vấn đề cần điều chỉnh.
Theo ACV, nếu khởi công từ tháng 11/2022, thì có thể hoàn thành đúng kế hoạch. Nhưng thực tế chủ đầu tư phải hủy thầu một lần do không có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, dẫn tới ngày khởi công gói thầu ga hành khách lùi đến 31/8/2023 và mốc hoàn thành lùi đến tháng 11/2026, phấn đấu về đích trước 3 tháng.
Song song đó, chủ đầu tư hạng mục nhà ga và đường băng cũng đề xuất triển khai xây dựng đường cất hạ cánh số 2 trong giai đoạn 1 và bổ sung hạng mục san nền khu vực nhà ga hành khách T3. Việc có 2 đường băng để dự phòng trong tình huống 1 đường băng gặp trục trặc là cần thiết với một sân bay công suất lớn. Việc triển khai sớm hạng mục san nền nhà ga T3 là cần thiết để tránh phát sinh bụi, ô nhiễm trong quá trình vận hành ga T1.
Sân bay quốc tế Long Thành được kỳ vọng là một trong những trung tâm hàng không lớn nhất Đông Nam Á. Với diện tích hơn 5.000ha, công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, Long Thành sẽ giải quyết áp lực quá tải của Tân Sơn Nhất, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Dự án không chỉ đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong quá trình phát triển của Đồng Nai, mà còn mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho vùng Đông Nam Bộ. Dự án không chỉ mang lại cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lao động mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Các khu công nghiệp, dịch vụ logistics, du lịch và bất động sản quanh khu vực hứa hẹn sẽ bùng nổ, tạo ra một làn sóng đầu tư mới, góp phần nâng cao mức sống và thu nhập người dân địa phương.
Thực tế cho thấy dự án còn kéo theo việc cải thiện hạ tầng giao thông toàn diện. Các tuyến đường cao tốc, cầu vượt, hệ thống giao thông công cộng đã, đang được nâng cấp, xây mới, kết nối sân bay với các tỉnh, thành lân cận; giúp việc di chuyển thuận lợi hơn, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của khu vực. Ở tầm quốc gia, dự án trở thành một trong những cánh cửa mở ra thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Nói cách khác, có thể khẳng định sân bay Long Thành là một dự án có tầm ảnh hưởng to lớn với tỉnh Đồng Nai, vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Vì vậy, khi thực hiện siêu dự án, để giải quyết những phát sinh trong thực tế, có thể chấp nhận thà chậm hơn một chút, nhưng chắc chắn.
Đó cũng là căn cứ để nhiều ý kiến đánh giá những đề xuất của ACV là hợp lý; có thể sẽ sớm được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ và Quốc hội xem xét chấp thuận.