Có nên lập Ban chỉ đạo Phòng chống khủng bố, và Ban này “nằm” ở những cơ quan nào là vấn đề được các Đại biểu Quốc hội tập trung góp ý kiến trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống khủng bố (PCKB) tại Hội trường hôm qua 21/5.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo giải trình trước Quốc hội |
Cần rõ hơn trách nhiệm PCKB
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình khủng bố trên thế giới có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tuy chưa xảy ra khủng bố do tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện, nhưng đã phát hiện một số âm mưu tiến hành khủng bố của bọn phản động người Việt lưu vong và phát hiện một số đối tượng khủng bố quốc tế làm thủ tục nhập cảnh vào nước ta.
Dự án Luật này đã được đưa ra cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII. “Vì nội dung cơ bản của dự án Luật là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và quyền cơ bản của công dân, nên đã được các ĐBQH, các cơ quan thẩm tra và UBTVQH quan tâm nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh, bảo đảm các điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua”, ông Khoa cho biết.
Với ý nghĩa đặc biệt như vậy, nên trách nhiệm PCKB là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. Mặc dù Dự thảo Luật đã quy định “Phòng, chống khủng bố là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và công dân”, dự Luật cũng dành 1 chương quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong PCKB, tuy nhiên theo ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) thì nhiều quy định còn chưa xứng tầm. Ví dụ như vai trò của quân đội trong PCKB là lực lượng đủ điều kiện, tổ chức phương tiện, vũ khí đập tan khủng bố nhưng quy định của dự thảo lại rất mờ nhạt, chung chung.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng quy định UBND trình HĐND cùng cấp phân bổ ngân sách địa phương phục vụ công tác PCKB…là không phù hợp. “Quy định như vậy thì những nơi không tổ chức HĐND thì UBND trình cơ quan nào”, ĐB Học nói và đề nghị UB trình HĐND hoặc Ủy ban cấp trên (với những nơi không tổ chức HĐND); nếu không thì chỉ quy định mang tính nguyên tắc UBND có trách nhiệm đảm bảo nguồn lực cho công tác PCKB.
Nhiều ĐB cũng đề nghị bổ sung các quy định về trách nhiệm của Công an, Quốc phòng, của các bộ ngành chức năng trong PCKB để công tác này là trách nhiệm của tất cả cơ quan, tổ chức công dân như tinh thần của dự thảo luật.
Không nên lập Ban Chỉ đạo ở Bộ, ngành
Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi phân tích ý nghĩa đặc biệt quan trọng của PCKB đã nhận định “cần thiết phải có Ban Chỉ đạo PCKB để tham mưu, điều hòa phối hợp liên ngành về công tác PCKB”. Trong thực tiễn, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có 11 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo PCKB hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và được Chính phủ, Bộ Công an đánh giá hoạt động có hiệu quả.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng thành lập các cơ quan để thực hiện chức năng chỉ đạo chống khủng bố theo hướng này. Còn theo dự thảo Luật, Ban chỉ đạo PCKB được lập ở hai cấp, cấp quốc gia và cấp tỉnh. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thể thành lập Ban Chỉ đạo PCKB của bộ, ngành.
ĐB Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn), Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Nguyễn Hồng Hương (Hải Dương)...và nhiều ĐB khác tán thành với quy định cần lập Ban chỉ đạo ở hai cấp như dự luật. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) thì không nên lập Ban chỉ đạo mà nên bổ sung chức năng cho Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống tội phạm, bởi lẽ theo ông Hồng “khủng bố cũng là một loại tội phạm, lập Ban chỉ đạo thành phần cũng không khác, tính hiệu quả không cao”.
Còn theo ĐB Trần Văn Độ (An Giang) thì không nên lập Ban chỉ đạo ở các Bộ, ngành vì trong thành phần Ban chỉ đạo quốc gia PCKB đã có đại diện các bộ, ngành. “Quan trọng là việc tham mưu, chỉ đạo thế nào cho hiệu quả chứ quy định nhiều quá lại rối”, ông Độ nói.
Dự kiến, Luật PCKB sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
Thu Hằng