Đề xuất lắp camera trong lớp học: Chất lượng giáo dục có được cải thiện?

(PLVN) - Mới đây, sự việc cô giáo ở trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP HCM véo tai, đánh đập nhiều học sinh trong lớp bị phụ huynh âm thầm đặt camera ghi lại lại một lần nữa dấy lên tranh luận có nên lắp camera trong lớp học hay không? Chất lượng giáo dục liệu có thể được cải thiện nhờ những chiếc camera này? 
Cô giáo véo, xách tai học sinh tại trưởng Phan Chu Trinh, TP HCM bị camera ghi lại.
Cô giáo véo, xách tai học sinh tại trưởng Phan Chu Trinh, TP HCM bị camera ghi lại.

Nhiều vụ bạo hành xảy ra tại trường học

Thực tế là có những vụ học sinh bị bạo hành, hành động này diễn ra không phải chỉ một, hai lần, mà rất nhiều lần mới được phát hiện. Điển hình như các vụ việc xảy ra tại lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), cô giáo chủ nhiệm của lớp này đã có hành vi yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em học sinh nói tục (231 cái), khiến em này phải nhập viện điều trị. 

Một vụ khác xảy ra tại trường tiểu học cơ sở số 1 Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) khi một học sinh bị giáo viên chủ nhiệm 40 tuổi xách tai, tát nhiều cái vào má, phải đến bệnh viện theo dõi sức khỏe, được xác định bị chấn động sọ não.

Tương tự, các phụ huynh có con học tại lớp 4B, trường tiểu học Trung Thành (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cũng tố giác, yêu cầu nhà trường xác minh làm rõ thông tin cô giáo chủ nhiệm lớp bắt phạt hàng loạt học sinh vi phạm tự tát 50 cái vào mặt do lỗi nhỏ của các em. Nếu không có một em học sinh nào đó buột miệng nói, hay phụ huynh trực tiếp phát giác, thì không biết những hành vi trên sẽ diễn ra trong bao lâu nữa?

Mới đây, clip cô giáo ném vở học sinh ở Trường Tiểu học C Vĩnh Thanh, (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) tiếp tục gây sốc sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội. Trước cảnh cô giáo chấm bài xong ném xuống bục giảng, rồi gọi tên các em lên nhặt vở, nhiều người bình luận đây là cách trả bài phản cảm.

Hành động của cô giáo này bị coi là đi ngược lại triết lý giáo dục của Việt Nam. Để giáo dục học sinh, trước hết học sinh đó phải tôn trọng thầy và ngược lại, giáo viên cũng phải biết tôn trọng, yêu quý học trò của mình.

Từ cử chỉ, lời nói, hành động, thái độ ứng xử của giáo viên đều ảnh hưởng đến học trò. Đồng thời, những sự việc đau lòng ấy cho thấy, thực trạng một số giáo viên đang thiếu trầm trọng kỹ năng khi đứng lớp…

Chưa kể, liên tiếp các vụ việc học sinh đánh “hội đồng” bạn ngay trong lớp học vào giờ nghỉ. Đơn cử, cuối tháng 2/2019, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Gia Lai) đã tiến hành kỷ luật hai học sinh của trường đánh nhau ngay giữa lớp học trong sự cổ vũ “nhiệt tình” của các bạn… 

Nên lắp camera hay không?

Luật Giáo dục do Quốc hội ban hành ngày 14/6/2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 có nhiều điều luật quy định về môi trường giáo dục: “Nhà nước tạo môi trường giáo dục an toàn” (Điều 13) và quyền của người học là “Được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh” (Điều 83). 

Về nhiệm vụ nhà giáo (Điều 169), Luật cũng quy định rõ: giáo viên phải nêu gương tốt cho người học, “Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học”. Đặc biệt, “xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người học” là các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục (Điều 22). 

Như vậy, việc giáo viên bạo hành học sinh không những vi phạm đạo đức nhà giáo mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo kết quả khảo sát của Sở Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vào năm 2018, có tới 88% số phụ huynh mong muốn nhà trường lắp camera để giám sát giáo viên. Phụ huynh cho rằng, việc các lớp học có camera sẽ giúp giáo viên kiềm chế bản thân, có những hành vi đúng mực với học sinh.

Năm 2018, sau khi xảy ra một số vụ bạo hành trẻ mầm non tại TP HCM như bạo hành trẻ mầm non tại Trường mầm non Mầm Xanh (Q.12), vào đầu năm 2019, HĐND TP HCM đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP. Trong đó, TP chi ngân sách khoảng 3,3 tỉ đồng dành cho việc lắp đặt camera cho 105 nhóm trẻ, trung bình mỗi nhóm trẻ có 3 camera… 

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, với những trường học có điều kiện thì việc lắp camera để phụ huynh, nhà trường và giáo viên cùng tạo ra môi trường giáo dục phù hợp nhất với con trẻ.

Thế nhưng, không thể làm theo kiểu mạnh ai nấy gắn được mà nên có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh. Điều quan trọng là việc gắn camera không gây ảnh hưởng quyền tự do cá nhân khi trẻ đến trường và việc sinh hoạt của các em học sinh.

Nhiều thầy cô cũng cho rằng, nếu mục đích là vì sự an toàn nói chung của trẻ thì camera nên được lắp ở sân chơi, sân thể thao, trước cửa ngoài nhà vệ sinh, trước lối ra vào chính ở trường, những góc khuất trong trường học vì đó là những nơi tiềm ẩn sự cố không an toàn.

Thế nhưng, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc lắp camera để giám sát giáo viên trong lớp lại là một ý tưởng trái với bản chất của hoạt động sư phạm trong nhà trường. Nó thể hiện sự thiếu niềm tin vào giáo viên. Hình ảnh camera có khi vẫn không phản ánh hết điều gì đang thật sự diễn ra trong lớp học, nên chúng ta có thể phạm sai lầm trong đánh giá những biểu hiện của giáo viên.

Nhận định về vấn đề này, PGS TS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Lắp camera trong lớp học có vai trò như một công cụ hỗ trợ công tác chuyên môn chứ không phải lắp để quan sát giáo viên làm đúng hay sai, có xâm phạm trẻ hay không. Camera không phải là công cụ để cha mẹ biết tình hình học tập của con mình trên lớp.

Thông tin này dễ dàng có được nếu họ dành sự quan tâm và thời gian để trao đổi với con mình sau mỗi bài học, mỗi ngày học. Đặc biệt là có sự hiểu biết và phối hợp với giáo viên. Nếu để tình trạng phải nhờ tới camera mới phát hiện được đã quá muộn.

Mấu chốt của vấn đề vẫn là làm sao cải thiện chất lượng giáo viên mỗi ngày để các thầy, cô biết đâu là điểm dừng trong việc giáo dục học sinh. Khi giáo viên được đào tạo đúng chuẩn, bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn thường xuyên, họ sẽ có cách điều phối lớp học thật tốt”. 

Còn thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, tại trường không lắp camera không có nghĩa là phó mặc cho các thầy cô hành xử theo cách của mình.

Điều cần làm là hướng tới giáo dục giá trị sống để giáo viên tự quản lý cảm xúc của mình. Các giáo viên phải có kỹ năng quản lý lớp học chứ không phải dùng đòn roi kiểu “gõ đầu trẻ”. Chúng ta phải chấp nhận trong quá trình thay đổi ấy vẫn có những hiện tượng cá biệt và sai đâu thì ta sửa đó. Chứ không thể vì một hiện tượng như vậy và nói rằng tất cả các nơi phụ huynh phải lắp camera giám sát.

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT: Việc lắp camera phải được thông báo tới phụ huynh, học sinh

Lắp camera được coi là một trong những nội dung đảm bảo hoạt động quản lí của nhà trường, góp phần minh bạch hóa, dân chủ trong nhà trường, với mục tiêu tối thượng là đảm bảo an toàn lao động cho nhà trường, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Qua các sự việc đã xảy ra trong thời gian vừa qua, có thể thấy camera có ý nghĩa giúp các cơ quan chức năng có chứng cứ để xử lí giải quyết vấn đề thấu đáo, hợp tình hợp lí. 

Tuy nhiên, lắp camera ở đâu thì phải được khảo sát và tính toán kĩ lưỡng. Có thể lắp camera trong khu công cộng, tường rào, cổng bảo vệ, các góc khuất ít người qua lại để đảm bảo tài sản, phòng chống trộm cắp. Việc lắp phải đảm bảo đúng cấu hình đủ mạnh để lưu trữ thường xuyên phục vụ công tác khai thác quản lí sau này.

Hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường có trách nhiệm quản lí và sử dụng hệ thống camera để đảm bảo hoạt động quản lí của nhà trường. Việc lắp camera cần được báo cáo với chính quyền địa phương, với phòng GD&ĐT, thông báo tới toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh trong trường.

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Thầy và trò cần được “tắm” mình trong sự tin cậy

Lắp hay không lắp camera đường như đang có một sự bất tín đang lan dần giữa giáo viên và phụ huynh, nhà trường. Giáo dục không thể nào thực hiện được nếu như các mối quan hệ tạo nên môi trường giáo dục không tốt đẹp.

Chất lượng giáo dục phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, nghĩa là chủ yếu nằm ở mối quan hệ giao tiếp giữa giáo viên và học sinh. Quan hệ giao tiếp này có tốt hay không tùy thuộc vào sự tin cậy lẫn nhau và môi trường dân chủ mà cả hai “tắm” mình trong đó. 

Vì thế, có lắp mỗi lớp 1 camera nữa thì có thể giáo viên sẽ không đánh chửi học sinh trong lớp nữa nhưng chất lượng giáo dục vẫn thế và học sinh vẫn cứ lớn lên trong sự thiệt thòi. Hãy giúp đỡ giáo viên trong việc giáo dục con em và tạo điều kiện cho họ hiểu sâu, rộng về thế giới, về giáo dục. Hãy làm sao để họ tự khai sáng và giác ngộ ra bối cảnh đang làm họ đánh mất mình từ đó nỗ lực thay đổi bản thân.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Thầy cô chuẩn mực sẽ không lo bị nghe lén, quay lén

Không thể khẳng định chất lượng giáo dục ở các lớp có lắp camera sẽ được nâng cao hơn so với các lớp không lắp camera. Giáo viên cần sự cộng tác, giúp đỡ trong việc giáo dục con em và tạo điều kiện cho họ hiểu sâu, rộng về thế giới về giáo dục chứ không phải tạo thêm áp lực cho công việc này.

Về việc lắp camera trong lớp học, cá nhân tôi không đồng tình. Cần cân nhắc thật kỹ về vấn đề này bởi nếu làm không tốt sẽ vi phạm quyền riêng tư của giáo viên và học sinh.

Ngay cả việc lắp xong sẽ sử dụng những thông tin này như thế nào, theo cách nào, trong nội bộ nhà trường hay công khai để phụ huynh biết cũng là vấn đề cần được tranh luận thấu đáo và có sự thống nhất cao trong tập thể sư phạm nhà trường. Không nên áp đặt để tạo áp lực cho giáo viên, thậm chí khiến họ cảm thấy mình bị trù dập, theo dõi, gài bẫy... thì không thể tập trung giảng dạy tốt được.

Tuy nhiên, việc giáo viên bị “nghe lén” bằng các thiết bị thông minh hiện nay khá phổ biến. Nếu thầy cô mẫu mực, chuẩn mực thì chắc sẽ không lo việc bị nghe lén, quay lén. Vì vậy, cẩn trọng trong lời nói, hành động việc làm thì sẽ tránh được những sai lầm.

Có thể là họ chọn nghề hoặc cũng có thể là nghề chọn họ nhưng khi đã quyết định trở thành giáo viên là phải chấp nhận hết những khó khăn vất vả của nghề. Khi đứng trên bục giảng là phải bỏ hết mọi chuyện cá nhân, gia đình lại để tập trung giảng dạy, không nên để những cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến công việc.

Ngược lại, tôi cũng mong xã hội và các bậc phụ huynh có cái nhìn cảm thông hơn với công việc của nhà giáo. Áp lực là điều ai cũng biết trong khi 50 học sinh một lớp là 50 tính cách khác nhau, thầy cô cũng không phải là “siêu nhân” luôn luôn làm tốt, không bao giờ mắc lỗi.

Ông cha ta có câu “Không ai nắm tay được cả ngày” nhưng nếu dùng tình thương đối xử với học sinh thì tôi tin rằng sẽ tránh được những hành động nóng giận quá đáng, sẽ tìm được phương pháp tốt nhất để dạy học trò...

Và khi lớp học có camera, giáo viên có cảm giác như bị giám sát và phụ huynh thiếu niềm tin vào họ. Giáo viên sẽ luôn có cảm giác bị theo dõi và tổn thương khi không được phụ huynh và xã hội tin tưởng. Đây có thể là khó khăn lớn mà nhiều nhà giáo không thể chấp nhận được.

Trong khi đó, nhiều em học sinh ỷ lại có camera quan sát nên không nghe lời giáo viên; thậm chí có trường hợp cá biệt sẽ thách thức thầy cô. Tôi nghĩ chiếc camera chỉ là cách đối phó với những cá nhân riêng biệt. Nó xuất phát từ một số vụ bạo hành trẻ. Còn với mỗi nhà giáo, cái tâm dành cho học trò  mới là gốc rễ giải quyết vấn đề này.  

Miên Thảo (tổng hợp)

Đọc thêm