Đề xuất mất gốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 11/5, trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và người dân trước Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và băn khoăn với đề xuất Lịch sử là môn tự chọn ở bậc THPT; và việc này có thể gây “hậu quả, hệ lụy khó lường”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nói như vậy là không hề nói quá

Minh chứng cụ thể như câu chuyện người Việt đi mở cõi phương Nam. Thuở xa xưa, từ những vùng đất cổ như Phú Thọ, Thanh Hóa… đến thế kỷ 15, người Việt đã định cư đến khu vực Phú Yên ngày nay. Vào thời Trịnh -Nguyễn phân tranh, các chúa Nguyễn tiếp tục mở rộng lãnh thổ của mình về phía Nam.

Hành trình Nam tiến kéo dài gần 700 năm từ đời nhà Trần đến nhà Nguyễn, nâng diện tích lãnh thổ từ ban đầu độc lập đến khi hoàn thành lên 3 lần, từ thế kỷ 11 đến giữa thế kỷ 18, lãnh thổ Việt Nam về cơ bản được hình thành và tồn tại như hiện nay. Nam tiến là một phần quan trọng nhất trong quá trình mở rộng lãnh thổ của dân tộc Việt. Nên Bắc – Trung – Nam đều từ một nhà mà ra, đều chung dòng máu, đều chung tiếng nói. Cha ông ta người người lớp lớp đã nằm xuống từ thuở hồng hoang để mở cõi; nên thế kỷ 20, khi đất nước bị ngoại bang chia cắt, hàng triệu người lại hy sinh thân mình cho cuộc trường chinh thống nhất Bắc Nam vào ngày 30/4/1975.

Lịch sử mở cõi và bảo vệ giống nòi, bảo vệ lãnh thổ dân tộc, có thể chỉ vắn tắt đơn giản như vậy. Nhưng với thế hệ trẻ bây giờ, có thể vẫn có những người “ú ớ” khi được hỏi nguồn gốc giống nòi quê cha đất tổ mình ở đâu ra; đâu đó vẫn có những chuyện phân biệt vùng miền… Nếu ai cũng có kiến thức lịch sử, chắc chắn sẽ không có những tệ trạng đó.

Trên một diễn đàn, một hướng dẫn viên du lịch đã đưa ra một nhận xét đáng buồn. Anh cho biết các đoàn du khách nước ngoài tới Việt Nam, một trong những mối quan tâm nhất của họ là lịch sử - văn hóa: Di tích này gắn với sự kiện nổi tiếng nào, đồ vật này có nét đặc trưng văn hóa nào? Trong khi đó, với một số du khách Việt đi tham quan, điều quan trọng nhất lại chỉ là ăn gì, chơi gì, sung sướng ra sao.

Thực tế ở một số quốc gia có nền văn hóa tương đồng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước này đều duy trì hoặc đưa môn Lịch sử vào chương trình bắt buộc. Vì vậy, ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét một cách thận trọng chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là đưa Lịch sử thành môn học tự chọn ở cấp THPT. Cần đổi mới cách dạy và học để nâng cao chất lượng, chứ không nên để Lịch sử là môn tự chọn. Bộ GD&ĐT cần phải rà roát, nghiên cứu nghiêm túc, cầu thị để có giải pháp phù hợp.

Một lãnh đạo Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cũng cùng quan điểm, khẳng định tính cần thiết của môn học Lịch sử, nên xem xét là môn học đặc thù, môn học đặc biệt quan trọng và nên theo hướng là bắt buộc.

Những người có thẩm quyền ở Bộ GD&ĐT cũng cần nhớ, vì trân trọng lịch sử, người phương Tây mới có câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ trả lời anh bằng đại bác”.

Đọc thêm