Nâng chuẩn, nâng lương?
TS. Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT cho biết, một số nội dung chính sách và các điều khoản của Luật Giáo dục đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển nền giáo dục theo định hướng mở, liên thông và hội nhập quốc tế. Mặc dù đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục liên quan đến nhiều vấn đề nhưng nội dung được thảo luận, góp ý nhiều nhất tập trung vào nâng cao trình độ giáo viên, miễn phí học phí đến hết bậc THCS và vấn đề lương giáo viên.
Tính đến tháng 9/2017, 33/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ 90% giáo viên tiểu học trên chuẩn, chỉ có 3 tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang và Lào Cai có tỉ lệ dưới 70% trong đó thấp nhất là Tuyên Quang, 63,86%. Đó chính là lý do để ban soạn thảo đề xuất đưa việc nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học vào dự thảo lần này.
Ông Nguyễn Quang Long - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam cho hay, trước đó khi ta tiến hành nghiên cứu luật vào năm 1998, Luật Giáo dục 2005 đã đề cập đến 4 vấn đề lớn là: trình độ đào tạo; giáo dục thường xuyên; phổ thông, thể chế, chính sách. Thực sự vui mừng, ủng hộ và hưởng ứng cao các vấn đề như: nâng chuẩn giáo viên giáo dục tiểu học với những thông số chung của cả nước. Đồng thời ông Long cũng đề cập đến vấn đề lương giáo viên, nếu lương giáo viên được xếp cao nhất trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp là một điều hết sức mừng.
Cùng quan điểm, ông Bùi Đình Thanh - Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam cũng bày tỏ, nếu đưa được mức lương của ngành Giáo dục lên mức cao nhất trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp sẽ tạo được động lực cho giáo viên cống hiến. Hiện nay, trình độ trung cấp mức lương là 1,86 khi ra trường nhân hệ số 1,3 cộng cả đứng lớp vào nữa chỉ khoảng hơn 3 triệu, so với mức sống hiện nay rất khó khăn mà muốn hưởng thâm niên thì chỉ 5 năm sau mới được. Thế nên, nếu đưa được mức lương mới vào thì đội ngũ giáo viên hiện nay chắc chắn sẽ phấn khởi.
Còn riêng chính sách miễn học phí đối với cấp THCS là chính sách đã chín muồi. Đơn cử, mức thu học phí ở huyện Duy Tiên mỗi năm chỉ được 7,7 tỉ đồng, trong khi đó ngân sách chi toàn huyện mới có gần 500 tỉ, nó không đáng bao nhiêu so với mức thu học phí. Chính vì vậy, chính sách miễn học phí thể hiện sự nhân văn. Con em đi học không phải lo lắng học phí đó là cái cần thiết. Đồng thời, ông Thanh cũng kiến nghị: Nếu có điều kiện, chúng ta có thể tiến tới miễn học phí đến cấp mầm non. Đó cũng là mong muốn của giáo viên, phụ huynh ở cấp mầm non.
Ông Sầm Văn Du - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng, tăng lương là một trong những động lực để giáo viên cố gắng hơn, sáng tạo hơn. Khi thu nhập của giáo viên quá thấp, chưa đảm bảo cuộc sống thì sinh viên thờ ơ với ngành sư phạm cũng là điều dễ hiểu. Lương cao, cuộc sống chất lượng hơn thì đầu vào sư phạm tự nhiên cũng sẽ tăng cao.
Kiến nghị miễn học phí dân lập, mầm non
Theo Quyết định 41/2008 của Bộ GD-ĐT, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục theo đề nghị của Phòng GD-ĐT. Đại diện Bộ GD-ĐT lý giải, sở dĩ có đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non và THCS vì đã nghiên cứu tại 18 nước. Kết quả cho thấy, có 33% các nước miễn học phí mầm non, 61% các nước miễn học phí cấp THCS và 44% các nước miễn học phí hoàn toàn cấp THPT.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, khi đưa ra đề xuất miễn học phí bậc THCS, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc tới vấn đề phụ huynh có thể phải đóng các khoản khác tăng lên hoặc có thể xảy ra tình trạng lạm thu để có giải pháp kiểm soát. Đề xuất này nhận được sự đồng tình của đại diện nhiều địa phương có mặt trong hội nghị.
Một đại biểu đến từ Hải Dương cũng đề nghị, ngoài việc miễn học phí cho cấp công lập, cần miễn học phí cho cả đối tượng tư thục vì hiện nay, ở địa phương này có 50% học sinh công lập, số còn lại là tư thục. Đại biểu này cũng đồng ý với đề xuất cần mở rộng chế độ miễn học phí đến cả cấp học mầm non.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu đề xuất miễn học phí đến cấp mầm non. Thông tin việc miễn giảm học phí được thực hiện ở các trường công lập, tuyệt đối không để học sinh không đi học. Ở trường tư thục, học sinh đi học là tự nguyện. Lên bậc THPT, học sinh được phân luồng nên chỉ có 60% được vào trường công lập.