Đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho văn phòng thừa phát lại

(PLO) - Hoạt động thừa phát lại sau thời gian thí điểm mặc dù được đánh giá là cần thiết, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, thực tiễn và chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, được người dân đón nhận tích cực, tuy nhiên nhìn từ phía các văn phòng thừa phát lại cho thấy, vì là thí điểm, hoạt động trong thời gian ngắn nên rất nhiều khó khăn, trong đó có cả khó khăn về tài chính.
Tư vấn cho khách hàng tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông, Hà Nội
Tư vấn cho khách hàng tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông, Hà Nội 
Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Chính phủ cho biết, các văn phòng khi được thành lập đều phải xây dựng Đề án, đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân sự… trình UBND tỉnh, thành phố quyết định thành lập. 
Nhiều văn phòng ở một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội,  TP HCM, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương được đầu tư với nguồn vốn tương đối lớn, có cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tốt, thể hiện tính chuyên nghiệp, bài bản. Điều đó thể hiện mong muốn, quyết tâm, tích cực ủng hộ của người dân, xã hội và những người làm nghề TPL đối với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về chế định này.
Tuy nhiên, thực tiễn thí điểm cho thấy, hoạt động của các văn phòng TPL còn nhiều khó khăn. Đó không chỉ là việc người dân còn chưa biết, chưa quen sử dụng dịch vụ của TPL; địa vị của TPL còn chưa rõ ràng, thiếu hành lang pháp lý; một số cơ quan liên quan còn chưa phối hợp... mà bản thân quy định về phí tống đạt hiện nay cũng còn rất thấp, nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn. 
Trưởng Văn phòng TPL Hai Bà Trưng (Hà Nội) Cao Anh Thúy cho biết, hiện phí tống đạt theo Thông tư 09 ngày 28/02/2014 không đủ chi tiền lương lao động, các chi phí phát sinh; sau khi tống đạt việc thanh quyết toán còn chậm do chưa quen và chưa có sự chuẩn bị. Chính khó khăn đó khiến nhiều văn phòng thừa nhận giai đoạn đầu họ “thu không đủ chi”. 
Từ thực tế đó, mong muốn của các văn phòng là có sự hỗ trợ ban đầu từ Nhà nước. Trưởng Văn phòng TPL Hà Đông Bùi Trọng Hào, Trưởng Văn phòng TPL Nguyễn Văn Lạng (Ba Đình) đều có chung mong muốn “Nhà nước hỗ trợ tài chính cho hoạt động TPL thông qua chính sách miễn, giảm thuế trong một vài năm, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc in ấn tài liệu tuyên truyền”. 
Để tạo điều kiện cho các văn phòng TPL, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013), trong đó quy định các văn phòng TPL được được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian thực hiện thí điểm. 
Nay, cùng với việc cho phép thực hiện chế định TPL trên phạm vi cả nước, để khuyến khích các cá nhân có đủ tiêu chuẩn tham gia hành nghề TPL, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các văn phòng TPL trong việc tự trang trải chi phí hoạt động, khắc phục những khó khăn ban đầu, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, dự thảo nghị quyết về việc thực hiện chế định TPL được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII quy định văn phòng TPL được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 5 năm kể từ ngày thành lập. 
Quy định này cũng phù hợp với chính sách khuyến khích xã hội hóa trong các lĩnh vực: giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và bổ trợ tư pháp được quy định tại Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ. 
Nhiều ý kiến tán thành đề nghị của Chính phủ vì cho rằng, đối với các loại hình hoạt động được xã hội hóa, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích, tương tự như đang áp dụng trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, bổ trợ tư pháp… 

Đọc thêm