Theo Báo cáo của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đến nay, tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập, đảm bảo các tiêu chí theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng số nhân lực đang làm việc tại 53 Văn phòng là 643 người, trong đó có 134 Thừa phát lại; 295 Thư ký nghiệp vụ. Mặc dù còn hạn chế về số lượng và chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ nhưng đội ngũ Thừa phát lại bước đầu đã đáp ứng yêu cầu hoạt động trong thời gian thí điểm.
Tính đến hết ngày 30/9/2015, kết quả trên cả 04 lĩnh vực: Tống đạt văn bản theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án của các Văn phòng Thừa phát lại.
Kết quả triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại khẳng định Nghị quyết số 36/2012/QH13 đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Chủ trương của Đảng về thí điểm Thừa phát lại được thể chế hóa và kiểm nghiệm trên thực tế, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận.
Báo cáo cũng khẳng định: Quá trình hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại tuy đã có một số sai sót, nhưng đó là những sai sót nhỏ trong thực thi một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, không phải là bản chất của chế định Thừa phát lại.
Kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Quá trình thực hiện thí điểm Thừa phát lại đã cung cấp nhiều dữ kiện, căn cứ mang tính khoa học và thực tiễn có giá trị để làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự, đồng thời, góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, tinh giản biên chế.
Về những tồn tại của việc thí điểm Thừa phát lại, Báo cáo của Chính phủ thừa nhận việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội còn chậm, công tác tuyên truyền vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cho việc phục vụ thí điểm một chế định mới; Kết quả hoạt động của một số Văn phòng Thừa phát lại còn chưa cao, chưa đồng đều ở các địa phương thí điểm và ở các mảng công việc.
Từ kết quả triển khai thực hiện thí điểm trong thời gian qua, Chính phủ thấy rằng, việc thực hiện chế định Thừa phát lại trong thời gian tới là rất cần thiết, nhằm xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; về cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó và thực hiện kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp lần thứ 41 vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện chế định Thừa phát lại theo hướng tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện chính thức chế định này, trong đó quy định những vấn đề cơ bản về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, giao Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chi tiết, tổ chức triển khai thực hiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp này.
Sau thời gian thực hiện, đồng thời với việc xây dựng Luật Thừa phát lại, Chính phủ sẽ tổ chức tổng kết, để trình Quốc hội vào các năm 2016 - 2017./.