Chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương?
Điều 30 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định: “HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao”. Quy định này được phân tích là chỉ khi luật trực tiếp giao thì chính quyền cấp huyện, cấp xã mới được ban hành VBQPPL nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, sai sót trong việc ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã vốn tồn tại lâu nay.
Dẫn chứng từ công tác ban hành VBQPPL của TP Hà Nội cho thấy, từ năm 2015 đến hết tháng 7/2018, thành phố đã ban hành gần 4.500 VBQPPL. Trong đó, HĐND, UBND thành phố đã ban hành 216 VBQPPL; các quận, huyện, thị xã ban hành 813 văn bản và cấp xã, phường, thị trấn ban hành 3.390 văn bản.
Qua kiểm tra cho thấy, các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung phù hợp với pháp luật, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước của địa phương và thành phố. Tuy nhiên, trong đợt giám sát gần đây của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội “về việc thực hiện pháp luật về ban hành VBQPPL trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2015 - 2018” đã phát hiện tới 116 văn bản có sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình bày khi kiểm tra 1.422 văn bản tại 23 quận, huyện, thị xã.
Qua hơn 3 năm triển khai thi hành, hiện có ý kiến cho rằng, quy định trên không phù hợp với yêu cầu thực tiễn xã hội. Bởi theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì hệ thống cơ quan hành chính nhà nước được tổ chức 4 cấp gồm Trung ương, tỉnh, huyện, xã.
Về nguyên lý chung thì VBQPPL là công cụ để quản lý, điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương. Vì vậy, Luật quy định HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành VBQPPL để quy định những vấn đề được luật giao là chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương.
Loại ý kiến khác thì cho rằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định thẩm quyền của cấp huyện, cấp xã rất rộng và cũng là luật giao nên chính quyền cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền ban hành VBQPPL. Thực tế cho thấy, có một số luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước ghi rất rõ cấp huyện và cấp xã thực hiện những nhiệm vụ gì nhưng có những trường hợp giao gián tiếp như trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc về thẩm quyền của cấp huyện và cấp xã mà không quy định chi tiết nên khi thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Còn ý kiến băn khoăn
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay các địa phương cần tháo gỡ chính là nhiều nội dung luật không giao hoặc chưa giao cho chính quyền cấp huyện, xã, nhưng thực tế hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn cần thiết phải ban hành các VBQPPL về nội dung này để tăng tính chủ động, sáng tạo trong điều kiện đặc thù của từng địa phương.
Điển hình, tại đợt giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nhiều ý kiến kiến nghị nên nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL theo hướng sửa đổi thẩm quyền ban hành VBQPPL cho chính quyền cấp huyện, xã theo hướng mở hơn, không chỉ trong giới hạn những vấn đề được luật giao.
Ngoài ra, qua lấy ý kiến vào quá trình sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015, một số ý kiến cho rằng quy định “HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao” mâu thuẫn với cơ chế kiểm tra, xử lý văn bản.
Cụ thể, trong thực tế có nhiều trường hợp cấp huyện, cấp xã cần phải ban hành văn bản để điều hành, quản lý xã hội nên phải ban hành văn bản áp dụng pháp luật nhưng trong đó có chứa quy phạm pháp luật. Những văn bản này theo quy định cần phải xử lý vì có dấu hiệu trái pháp luật do ban hành không đúng thẩm quyền, trái về hình thức văn bản.
Trên cơ sở đó, đã có đề nghị nghiên cứu, ngoài trường hợp được luật giao thì nên quy định cho cấp huyện được quyền ban hành VBQPPL để quy định các chính sách đặc thù, các biện pháp để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế ở địa phương. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn khi thời điểm ban hành luật năm 2015 đã phải hết sức cố gắng để hạn chế thẩm quyền nhằm giảm thiểu các sai sót trong ban hành văn bản của chính quyền cấp huyện, cấp xã.
Về vấn đề này, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Tư pháp cần đề xuất sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó sửa đổi quy định về thẩm quyền của cấp huyện, cấp xã để bảo đảm thống nhất với quy định của luật năm 2015.