Ưu, nhược điểm phương án doanh nghiệp quyết định giá bán
Trong dự thảo nghị định mới, thay thế cho Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu (KDXD), Bộ Công Thương đã đề xuất thêm phương án đột phá liên quan đến giá xăng dầu.
Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá như giá thành phẩm trên thị trường thế giới, thuế, mức trích và chi quỹ bình ổn để định hướng cho việc tính giá xăng dầu; Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp (DN) căn cứ chi phí thực tế của mình, xác định và công bố giá bán lẻ. DN thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).
Theo Bộ Công Thương, cách tính này có ưu điểm là bảo đảm các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh đối với từng DN, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá bán xăng dầu, đưa giá xăng dầu dần theo thị trường quyết định, hạn chế việc đầu cơ găm hàng, khuyến khích các DN tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.
Tuy nhiên, nhược điểm khi để “DN tự quyết giá” là sẽ có nhiều mức giá xăng dầu trên thị trường. Khi người dân chưa quen sẽ có phản ứng đối với giá xăng dầu của các DN có chi phí cao. Hoặc tại những địa phương ít nhà cung cấp, cạnh tranh kém, chi phí cao… người dân có thể phải mua xăng dầu với giá cao hơn các địa phương khác.
Nhưng đây là phương án được Bộ Công Thương lựa chọn và đánh giá là hợp lý so với các quy định hiện hành. Bởi, theo Bộ này, khi DN đầu mối được tự quyết các chi phí trong KDXD, vấn đề chiết khấu cho DN thuộc hệ thống phân phối sẽ được giải quyết. Các DN đầu mối sẽ cân đối và duy trì chiết khấu trong hệ thống ở mức phù hợp với thực tế cung cầu xăng dầu trên thị trường từng giai đoạn và thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường.
Đáng chú ý, dù nhắc đến vấn đề chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ (vấn đề chính đã từng gây ra chuyện thiếu xăng dầu cục bố trước đây), nhưng trong dự thảo Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm không quy định cụ thể mức chiết khấu trong KDXD mà để các DN chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung - cầu của thị trường trong từng giai đoạn. Ngoài ra, Bộ cũng không đồng ý với đề xuất các đại lý bán lẻ được lấy từ nhiều nguồn và cũng vẫn chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua hàng từ tối đa 3 đơn vị đầu mối KDXD.
2 phương án điều hành giá bán lẻ xăng dầu
Theo quy định hiện hành, thời gian điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước giữa hai kỳ là 10 ngày (vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng). Bộ Công Thương cho rằng chu kỳ 10 ngày "vẫn phù hợp, không phải là nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung xăng dầu vừa qua", nhưng sau khi tham khảo ý kiến các bộ, ngành và DN, Bộ Công Thương vẫn đề xuất 2 phương án thay đổi chu kỳ điều hành giá xăng dầu.
Cụ thể, ở phương án 1, Bộ Công Thương giữ nguyên thời gian điều hành giá như hiện nay, tức 10 ngày một lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Khi thị trường có biến động lớn, Thủ tướng chỉ đạo liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp diễn biến từng giai đoạn. Ưu điểm của phương án này là không làm ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của DN. Đồng thời, phương án này đảm bảo sự ổn định tương đối về giá xăng dầu để không ảnh hưởng tới điều hành vĩ mô, do xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá.
Nhưng phương án này lại không phù hợp khi giá thế giới vào giai đoạn tăng. Đặc biệt khi những vấn đề gây ra khó khăn về nguồn cung xăng dầu chưa được giải quyết dứt điểm như hiện nay.
Ở phương án 2, Bộ Công Thương đề nghị rút ngắn thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu xuống 7 ngày và quy định vào một ngày cụ thể trong tuần. Theo Bộ Công Thương, phương án 2 đảm bảo giá xăng dầu trong nước biến động gần hơn với giá thế giới. Khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các DN. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là không phù hợp với thời gian nhập khẩu xăng dầu (bình thường mất khoảng 10 - 15 ngày). Vì vậy, khi thị trường bất ổn với xu hướng bất lợi, kỳ điều hành quá ngắn sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh. DN cũng khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu, nhất là khi chu kỳ giá đi xuống.
Sau khi phân tích các ưu, nhược điểm, Bộ Công Thương nghiêng về lựa chọn phương án 2, tức là thời gian 2 kỳ điều hành giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày. Ngày điều hành sẽ vào Thứ Năm hằng tuần. Trường hợp Thứ Năm trùng vào những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, kỳ điều hành sẽ được chuyển sang ngày mùng 4 Tết.
Nêu lý do chọn phương án này, Bộ Công Thương cho rằng sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh việc giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc DN KDXD.