Đề xuất một số thay đổi ở kỳ thi THPT quốc gia 2020

(PLVN) - Dự thảo lần hai Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 đưa ra nhiều điểm mới nhằm tránh gian lận thi cử. 
Ảnh minh họa

Thêm trường hợp bị hủy kết quả thi: Theo quy chế 2019, thí sinh bị hủy kết quả thi khi: có hai bài thi trở lên bị điểm 0 do phạm lỗi; viết, vẽ vào giấy thi nội dung không liên quan đến bài thi; để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài, dùng bài của người khác để nộp.

Theo dự thảo quy chế năm nay, ngoài những trường hợp trên, thí sinh bị đình chỉ thi cũng sẽ bị hủy kết quả thi, tức không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT.

Cán bộ đại học canh 24/24h đề, bài thi: Giống như quy chế năm ngoái, khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh phải có công an bảo vệ 24/24h, đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề, bài thi phải an toàn, chắc chắn, có camera an ninh giám sát ghi hình hoạt động, có công an trực bảo vệ 24 giờ mỗi ngày.

Điểm mới năm nay là phòng bảo quản đề, bài thi phải có một cán bộ của trường đại học, cao đẳng (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) trực tại phòng suốt thời gian đề, bài thi được lưu giữ tại điểm thi. Riêng ngày thi, thời gian trực của cán bộ trường đại học, cao đẳng được tính kể từ thời điểm kết thúc buổi thi hôm trước đến khi bắt đầu buổi thi thứ nhất của ngày tiếp theo.

Theo quy chế năm 2019, cán bộ trường đại học, cao đẳng chỉ phải trực đêm tại phòng bảo quản đề, bài thi.

Bài thi trắc nghiệm lưu trữ ở phòng riêng biệt: Quy chế thi THPT quốc gia năm 2019 quy định việc chấm thi tại mỗi hội đồng thi được thực hiện tại một khu vực, gồm nơi chấm thi, chấm kiểm tra, nơi xử lý bài trắc nghiệm và nơi bảo quản bài thi được bố trí gần nhau, có lực lượng bảo vệ 24 giờ mỗi ngày.

Theo dự thảo, việc chấm thi tại mỗi hội đồng phải được thực hiện tại không quá hai khu vực. Khu vực chấm thi phải đảm bảo an ninh, công an bảo vệ 24 giờ mỗi ngày. Nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau. Bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài trắc nghiệm, hoặc lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy theo thực tế.

Tăng người giám sát ban chấm thi trắc nghiệm: Nếu như trước đây, tổ giám sát của ban chấm thi trắc nghiệm chỉ ba người thì theo dự thảo tổ này tăng lên ít nhất năm người. Tổ trưởng là lãnh đạo phòng/ban của trường đại học, cao đẳng; bốn thành viên là viên chức trường đại học, cao đẳng và công chức các Sở GD&ĐT của tỉnh có bài thi được chấm.

Tổ giám sát làm việc độc lập với các tổ chuyên môn khác, có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi. Nếu thấy có bất thường, tổ giám sát phải báo cáo trưởng ban để dừng quá trình chấm thi và đề nghị trưởng ban xác minh, xử lý trước khi tiếp tục.

Dự thảo sẽ lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 10/3/2020.

Kỳ thi THPT quốc gia lần đầu được tổ chức năm 2015, kết quả dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Từ năm 2017, thí sinh tham gia kỳ thi này phải làm ít nhất bốn bài thi, trong đó có ba bài độc lập bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Năm 2019, kỳ thi diễn ra từ ngày 24 đến 27/6 với sự tham dự của hơn 887.000 thí sinh. Ngoài Ngữ văn thi dưới hình thức tự luận, các bài thi còn lại được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm. Để tránh những gian lận thi cử như trong năm 2018 khi bài thi của 222 thí sinh ở ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La được can thiệp để nâng điểm, quy chế thi đã được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo kỳ thi an toàn, khách quan hơn.

Đọc thêm