Đề xuất mức phí cấp mới chứng nhận xuất xứ hàng hóa 60.000 đồng/bộ C/O

(PLVN) -  Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Ảnh minh họa.

Sự cần thiết ban hành Thông tư

Trước đó, trong Công văn 11917/VPCP- KTTH về phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa, lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo giao: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng và ban hành quy định thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của pháp luật phí và lệ phí và pháp luật liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch... Quá trình thực hiện, cần lưu ý làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội trước khi chính thức ban hành”. Thực hiện chỉ đạo, Bộ Tài chính đã có Công văn 642/BTC- CST và Công văn 2277/BTC-CST đề nghị Bộ Công Thương xây dựng Đề án thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá gửi Bộ Tài chính để nghiên cứu, ban hành Thông tư thu phí theo quy định.

Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Phí và lệ phí, Bộ Công Thương đã có Công văn 5926/BCT-XNK xây dựng Đề án thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa và đề xuất ban hành Thông tư thu phí. Trên cơ sở ý kiến của 13 Hiệp hội doanh nghiệp, được Bộ Công Thương tiếp thu, hoàn thiện và phê duyệt Đề án thu phí. Tại Đề án nêu về cơ sở thực tiễn như sau: Bộ Công Thương phải in phôi C/O cho doanh nghiệp trên loại giấy đặc biệt để chống làm giả, đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do. Việc thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá không chỉ gồm việc in phôi C/O mà để đảm bảo các hoạt động khác liên quan đến quản lý Nhà nước về xuất xứ hàng hóa.

Ngoài ra, thực tế cho thấy với những kết quả từ công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới bằng Chương trình thực hiện tổng thể đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 38/NQ-CP, đây là cơ sở để các hoạt động kinh tế - xã hội của doanh nghiệp, người dân đã được thực hiện trở lại trong điều kiện “bình thường mới”. Tại Đề án thu phí, Bộ Công Thương đánh giá khả năng đóng góp của người nộp phí thì mức thu phí 60.000 đồng/bộ C/O không làm ảnh hưởng đến khả năng trả phí của doanh nghiệp do chỉ chiếm một phần nhỏ so với các chi phí khác của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Với các căn cứ trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc xây dựng Thông tư thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa là rất cần thiết.

Đề xuất mức phí cấp mới chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Theo dự thảo, người nộp phí theo quy định tại Thông tư là thương nhân có đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại khoản 17 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Đơn vị thu phí bao gồm: Bộ Công Thương và cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương.

Về mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được quy định như sau: mức thu phí cấp mới 60.000 đồng/bộ C/O; mức thu phí cấp lại, cấp bổ sung: 30.000 đồng/bộ C/O.

Ngoài ra, về quản lý phí và sử dụng phí của dự thảo đề xuất: Bộ Công Thương được trích để lại 83% trên tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ cung cấp dịch vụ, thu phí và chi trả chi phí cho cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thu phí theo quy định pháp luật; nộp 17% trên tổng số tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước (NSNN).

Cũng theo Bộ Tài chính, dự toán số thu trong năm là 100,02 tỉ đồng; dự toán chi phí cần thiết cho các hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí trong năm là 83,39 tỉ đồng. Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 120/2016, tỷ lệ để lại được tính 83,39 tỉ đồng/100,02 tỉ đồng, tương đương 83,4%. Vì vậy, tại Điều 6 dự thảo Thông tư quy định Bộ Công Thương được trích để lại 83% trên tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ cung cấp dịch vụ...;

Số tiền được để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí trong năm được trích để lại chưa chi được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; trường hợp hết 2 năm kể từ năm được chuyển nguồn, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi thì phải nộp toàn bộ vào NSNN.

Trường hợp Bộ Công Thương là cơ quan Nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP thì phải nộp 100% tiền phí thu được vào NSNN. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do NSNN đảm bảo. Bộ Công Thương dự toán kinh phí phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí (bao gồm cả kinh phí ủy quyền) theo chế độ, định mức chi NSNN theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm