Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng lương cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều đề xuất đáng chú ý trong các văn bản góp ý sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được Bộ Tài chính tổng hợp, trong đó, nội dung tập trung góp ý đề cập đến việc nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên đánh thuế với tiền lãi từ gửi tiết kiệm. (Ảnh minh họa)
Nhiều ý kiến cho rằng không nên đánh thuế với tiền lãi từ gửi tiết kiệm. (Ảnh minh họa)

Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng của mức lương cơ sở

Tăng mức giảm trừ gia cảnh là nội dung nhận được nhiều góp ý trong tổng hợp các góp ý về sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và mức đề xuất tăng được cho rằng nên căn cứ vào tốc độ tăng của mức lương cơ sở.

Cụ thể, các góp ý từ các tỉnh cũng như Bộ, ngành cho rằng, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh trong việc tính thuế TNCN. Các mức đề nghị nâng khác nhau nhưng hầu hết cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thấp nhất nên là 15 triệu đồng/người (mức hiện hành là 11 triệu đồng/người), với người phụ thuộc thì tăng lên mức 6 triệu đồng/người (hiện hành là 4,4 triệu đồng/người).

Cụ thể, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương lên 18 triệu đồng/tháng, với người phụ thuộc ở mức 8 triệu đồng một tháng. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 17,3 triệu đồng cho người nộp thuế và 6,9 triệu đồng cho người phụ thuộc. Tỉnh Sơn La đề nghị tăng mức giảm trừ lên 16 triệu đồng với người nộp thuế, 5 triệu đồng với người phụ thuộc. Riêng tỉnh Ninh Thuận đề nghị mức giảm trừ thấp hơn 15 triệu đồng cho người nộp thuế. Tỉnh này cho rằng, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế ở mức 14 triệu đồng và đề xuất mức giảm trừ cho người phụ thuộc ở mức 6 triệu đồng/người.

Lý giải cho các đề xuất này, các tỉnh, Bộ, ngành cho rằng, mức giảm trừ hiện hành được thực hiện từ năm 2020 khi mức lương cơ sở đang ở mức 1,49 triệu đồng một tháng. Hiện nay, khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng, tức là tăng hơn 57% nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên. Đây cũng là vấn đề mà các chuyên gia đưa ra khi góp ý sửa đổi Luật Thuế TNCN.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật TNCN trong năm 2025, để có hiệu lực vào năm 2026 thay vì theo kế hoạch của Bộ Tài chính là dự kiến trình vào kỳ họp cuối năm 2025 và thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026.

Có nên đánh thuế thu nhập với lãi gửi tiết kiệm?

Đáng chú ý, trong các góp ý về sửa đổi Luật Thuế TNCN có một đề xuất tạo ra dư luận khác nhau nhưng không nhận được nhiều ủng hộ. Theo đó, UBND TP Cần Thơ đề xuất nghiên cứu mở rộng tính thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm và chỉ miễn thuế với các khoản gửi quy mô nhỏ. Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất giữ nguyên chính sách miễn thuế với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu Chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đề xuất đánh thuế với tiền lãi từ gửi tiết kiệm là chưa cần thiết và có thể đang khiến nỗ lực huy động tiền gửi từ người dân sẽ “đổ sông, đổ bể”. Bởi theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 11/2024 tiền gửi từ dân đã đạt 7 triệu tỷ đồng, tăng 7,16% so với cuối năm 2023, trong khi đó, tiền gửi từ tổ chức kinh tế đạt 7,2 triệu tỷ đồng.

Chuyên gia này cho rằng, không nên đánh thuế TNCN phần lãi từ tiền gửi tiết kiệm của người dân do lãi suất huy động hiện đang thấp, chỉ khoảng 6%/năm với kỳ hạn từ 1 năm. Chưa kể, số tiền tích lũy được để gửi tiết kiệm này cũng đã được người dân đóng thuế TNCN, nếu đề xuất đánh thuế loại tiền này được thực hiện thì người dân sẽ phải chịu 2 lần nộp thuế.

Ngoài ra, điều đáng lo hơn, nếu đánh thuế với tiền lãi từ gửi tiết kiệm, chắc chắn người dân sẽ không còn mặn mà với gửi tiết kiệm. Trong khi đó, hiện nay, các chính sách đang cố gắng để huy động tốt nhất tiền gửi từ người dân, tránh việc người dân đổ xô cất giữ tiền thông qua giữ vàng và bất động sản.

Theo phản hồi từ Bộ Tài chính, đề xuất đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm không phải lần đầu xuất hiện. Trước đây, năm 2013 và năm 2017, từng có một số đề xuất tương tự. Thời điểm đó, các ý kiến cho rằng, nếu khoản lãi lên tới hàng trăm triệu hay tiền tỷ mỗi năm thì nên được coi là một kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và vì vậy không nên miễn thuế.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến nguồn huy động vốn của ngân hàng dễ bị tổn thương, đẩy toàn bộ hệ thống vào cuộc chạy đua về lãi suất huy động, điều này quay trở lại áp lực lên các doanh nghiệp do lãi suất cho vay buộc phải tăng theo. Các doanh nghiệp nội địa vốn đã khó khăn lại thêm khó khăn. Chưa kể, nếu việc gửi tiền vào ngân hàng bị đánh thuế, người dân sẽ chọn giải pháp khác thay thế, dòng tiền sẽ chảy vào USD, vàng và các kênh đầu tư khác như tiền ảo, bất động sản, chứng khoán…

Đọc thêm