Đề xuất Nhà nước chi tiền cho infographic, bài giảng điện tử, sách nói pháp luật trong PBGDPL

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý được nêu trong Dự thảo Thông tư sửa đổi TTLT số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và chuẩn tiếp cận pháp luật (CTCPL) của người dân tại cơ sở mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Liên quan đến nội dung chi biên soạn, biên dịch các tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật, khoản 3, Điều 4, Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP (TTLT 14) hiện đang có hiệu lực quy định gồm: Biên soạn đề cương giới thiệu Luật, Pháp lệnh; Biên soạn, in, phát hành hoặc đăng tải trên website, trang tin điện tử các loại sách, tài liệu pháp luật nghiên cứu chuyên đề, tài liệu tham khảo, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật phục vụ đối tượng là báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật và đội ngũ cán bộ thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật;

Biên soạn, in, phát hành hoặc đăng tải trên website, trang tin điện tử các sách pháp luật phổ thông, tờ gấp pháp luật, câu chuyện pháp luật, băng, đĩa, tiểu phẩm pháp luật và các tài liệu khác phù hợp từng đối tượng cụ thể; Biên dịch, in và phát hành tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số; Biên dịch tài liệu pháp luật từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; Chi biên soạn tài liệu tham khảo và hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng chương trình, rà soát, cập nhật chương trình bài giảng cho nhà giáo và người học.

Tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính cho rằng, để đa dạng hoá các hình thức PBGDPL phù hợp với tình hình thực tế và chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL; căn cứ đề xuất của Bộ Tư pháp tại Báo cáo số 63/BTP-PBGDPL ngày 25/3/2022 gửi Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo đã bổ sung thêm nội dung chi là "đồ họa thông tin pháp luật (infographic), bài giảng điện tử, sách nói pháp luật" vào điểm c khoản 3 Điều 4, cụ thể như sau: "Biên soạn, in, phát hành hoặc đăng tải trên website, trang tin điện tử các sách pháp luật phổ thông, tờ gấp pháp luật, đồ họa thông tin pháp luật (infographic), bài giảng điện tử, sách nói pháp luật, câu chuyện pháp luật, băng, đĩa, tiểu phẩm pháp luật và các tài liệu khác phù hợp từng đối tượng cụ thể”

Về mức chi, bổ sung dẫn chiếu đến quy định hiện hành bao gồm: Đồ họa thông tin pháp luật (infographic), bài giảng điện tử thực hiện theo quy định tại Thông tư số 83/2021/TT-BTC ngày 04/10/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông; Chi biên soạn sách nói pháp luật thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí xuất bản.

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định nội dung và mức chi cho Tủ sách pháp luật. Hiện TTLT số 14 quy định việc chi xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, xã, phường, thị trấn, khu dân cư, bao gồm: Chi mua tài liệu, sách pháp luật cho Tủ sách mới xây dựng; cập nhật, bổ sung sách, tài liệu pháp luật mới cho Tủ sách phù hợp với yêu cầu sử dụng của cán bộ và nhân dân; chi mua Tủ mới hoặc bảo dưỡng Tủ sách định kỳ; Chi phục vụ người đọc và báo cáo tình hình phục vụ người đọc đối với các tài liệu pháp luật của Tủ sách; Một số khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật.

Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, TTLT số 14 hiện đang quy định nội dung và mức chi cho Tủ sách pháp luật (quản lý dưới dạng giấy và các vật mang tin khác) ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, xã, phường, thị trấn, khu dân cư. Trong khi theo khoản 1 Điều 1 Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ chỉ xây dựng Tủ sách pháp luật (dạng giấy và các bộ phận mang tin khác) tại xã đặc biệt khó khăn và tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân và Khoản 3 Điều 4 quy định mức kinh phí tối thiểu 3 triệu đồng hàng năm/Tủ sách pháp luật. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung chi và mức chi Tủ sách pháp luật cho phù hợp, tránh quy định lại nội dung Thủ tướng Chính phủ đã quy định, cụ thể rút gọn lại như sau: “Chi xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn và Tủ sách pháp luật tại cơ quan đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân”

Về mức chi nội dung này đề xuất sửa đổi như sau: "Mức chi xây dựng, khai thác, quản lý Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn và Tủ sách pháp luật tại cơ quan đơn vị của lực lượng vũ trang nhân thực hiện theo Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật"./.

Đọc thêm