Trong các đối tượng của PBGDPL, thanh thiếu niên (TTN) là bộ phận quan trọng vì thanh thiếu niên là lực lượng xã hội to lớn, là nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước. “PBGDPL hiệu quả đến thanh thiếu niên cần đến sự góp sức của toàn hệ thống và xã hội…” – đó là bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn ở nhiều địa phương.
Phát huy thế mạnh của Đoàn Thanh niên
Trong những năm qua, các địa phương trên cả nước đã có rất nhiều hoạt động triển khai, thực hiện các chủ trương PBGDPL cho TTN với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với các đối tượng. Các hoạt động PBGDPL được diễn ra ở nhiều qui mô, cấp độ, gắn liền với các phong trào hoạt động của tuổi trẻ… đã góp phần nâng cao kiến thức về PL, hình thành lối sống hành vi tuân theo PL ở TTN.
Điểm chung trong công tác này ở một số tỉnh, TP phía Bắc chính là việc phát huy rất tốt thế mạnh của “tổ chức của thanh niên” là Đoàn thanh niên cộng sản các cấp. Thông qua nhiều hội thi, giao lưu tìm hiểu, diễn đàn, các phong trào “sống và làm việc theo PL” do Sở Tư pháp Hải Dương, Hưng Yên phối hợp với Tỉnh đoàn; hay Chương trình phối hợp của Công an TP.Hải Phòng với Ban Thường vụ Thành Đoàn TP; chủ trương phát huy tối đa các thiết chế của tổ chức Đoàn vào việc tổ chức và thực hiện PBGDPL cho TTN, nhất là sinh viên trên địa bàn TP.Hà Nội... đã thu hút đông đảo TTN tham gia, đưa PL đến với nhận thức của TTN một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu và để TTN tự nguyện, tự giác thực hiện PL, tích cực góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội ra khỏi cộng đồng và lực lượng TTN.
Ban Thường vụ tỉnh đoàn Hưng Yên còn chỉ đạo các huyện, thành đoàn đẩy mạnh việc thành lập, phát triển các mô hình, câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên “PL với tuổi trẻ”, “Phòng, chống tệ nạn xã hội”…, xây dựng tủ sách PL tại các địa phương, đơn vị…
Tương tự, Tỉnh đoàn Bắc Ninh cũng rất chú trọng đến công tác xây dựng các mô hình hoạt động tại cộn đồn với 83 câu lạc bộ “Tuổi trẻ với PL” thu hút được hơn 6.600 đoàn viên, TTN tham gia và xây dựng được nhiều mô hình cá nhân tiêu biểu cho phong trào đấu tranh phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội. Tỉnh đoàn Bắc Ninh còn chỉ đạo để các cấp tổ chức Đoàn đều có cán bộ Đoàn chuyên trách tham gia vào các đề án liên quan đến công tác PBGDPL cho TTN.
Bên cạnh đó, chú trọng đến hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong hoạt động PBGDPL, Tỉnh đoàn Hải Dương đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, các Sở, ban, ngành của địa phương để tuyên truyền, PBGDPL cho TTN, điều tra số trẻ em lang thang, cơ nhỡ, bị ngược đãi, tham gia các băng nhóm tội phạm để áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số người chưa thành niên rơi vào con đường phạm tội…
Cần sự chung tay của cộng đồng
Dù đã có nhiều nỗ lực để PBGDPL cho TTN hiệu quả nhất, nhưng PBGDPL là công việc mang tính “trừu tượng” lại liên quan đến nhiều lĩnh vực nên không thể thấy được kết quả ngay trong “ngày một ngày hai”. Thực tiễn công tác PBGDPL nói chung và cho TTN nói riêng ở nhiều địa phương còn hạn chế là do công tác phối hợp giữa các ngành thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL chưa đồng bộ, tính chủ động còn hạn chế, đặc biệt là cấp cơ sở.
Thậm chí, “nhiều nơi, công tác PBGDPK vẫn còn mang tính hình thức, một số mô hình khi triển khai điểm thì hiệu quả, nhưng khi nhân rộng ra thì kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn” – ông Đỗ Đình Hữu (Tỉnh đoàn Bắc Ninh) nhận xét. Không những thế, công tác PBGDPL còn thiếu chiều sâu, mang tính thời vụ và lẻ tử, kinh phí và tài liệu hạn hẹp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên mỏng và chất lượng vẫn đang “hụt” so với yêu cầu…
Như vậy, nếu chỉ 1 mình đoàn thanh niên hay ngành tư pháp nỗ lực trong công tác PBGDPL cũng chỉ như “muối bỏ bể” trước sự phát triển với tốc độ “tên lửa” của trình độ nhận thức và hệ thống văn bản PL. Giải pháp chung cho những hạn chế của công tác PBGDPL cho TTN theo ông Lê Quang Toản (Tỉnh đoàn Hưng Yên) là có sự phối hợp của các cấp, các ngành cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và đa dạng hóa các hình thức PBGDPL. “Chạy” song song với các biện pháp PBGDPL còn cần các biện pháp hỗ trợ hiệu quả như hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm cho TTN, đặc biệt là thanh niên nông thôn, không để tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”.
Còn theo kinh nghiệm của Thành đoàn Hải Phòng, công tác PBGDPL cho TTN sẽ hiệu quả hơn khi các ngành chức năng tăng cường PBGDPL cho TTN phạm pháp, giúp đỡ TTN vi phạm PL tái hòa nhập tốt với cộng đồng, tổ chức tuyên truyền nếp sống văn hóa gắn với làm theo PL nhằm phòng ngừa, hạn chế vi phạm PL, tái vi phạm PL. Ông Nguyễn Duy Giáp (Sở Tư pháp TP.Hải Phòng) đề cập đến vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em phòng ngừa vi phạm PL, phấn đấu và cam kết “gia đình không có thành viên vi phạm PL”…
Theo chương trình, năm 2012, Quốc hội sẽ ban hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Đây sẽ là căn cứ pháp lý để công tác PBGDPL nói chung, nhất là PBGDPL cho TTN nói riêng, phát huy hiệu quả trong thực tế với sự chung tay của cả cộng đồng như mong muốn của nhiều người đang ngày đêm cần mẫn đưa PL đến với từng TTN – những chủ nhân hiện tại và tương lai của đất nước./.
Huy Anh