Đề xuất nhân văn của TP Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, TP HCM đề xuất muốn dùng ngân sách để xử lý một số khoản vay với người nghèo, là khoản vay tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; nhưng quá hạn, khó thu hồi. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện các phong trào hỗ trợ người nghèo như xóa nhà tạm, nhà dột nát (dự kiến hoàn thành trong năm 2025); “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… thì đây là một động thái được dư luận rất quan tâm.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trước đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nhóm thuộc diện chính sách ở TP HCM như người nghèo, người bị thu hồi đất, được vay vốn tạo việc làm từ ngân sách địa phương và Quỹ quốc gia về tạo việc làm. Nguồn vốn được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chính phủ đã có quy định về các trường hợp vay vốn được xóa nợ khi mất khả năng lao động vĩnh viễn; thiệt hại tài sản vì thiên tai, dịch bệnh... Thực tế tại TP HCM, có một số khoản vay khó thu hồi nhưng không đáp ứng được các tiêu chí trên. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP HCM thống kê có gần 4.000 hồ sơ vay 82 tỷ đồng (trung bình mỗi trường hợp khoảng hơn 20 triệu đồng) qua nhiều năm xử lý, đã gia hạn nợ, đã khoanh nợ; nhưng không thể thu hồi, cũng không đáp ứng tiêu chí xóa nợ theo quy định.

Các trường hợp trên rơi vào người vay hoặc có thành viên trong hộ gia đình đã chết, mắc bệnh tâm thần, mắc bệnh hiểm nghèo, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhưng không thể hoàn thiện các giấy tờ chứng minh. Một số hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh nhưng do trình độ, nhận thức hạn chế dẫn đến bị thua lỗ nhiều năm liên tục, vốn vay bị mất dần theo thời gian, thậm chí mất 100% vốn, không có khả năng trả nợ. Người vay rời khỏi địa phương, vắng mặt lâu năm, đi tù...

Để xử lý tình trạng trên, UBND TP đề xuất Thủ tướng cho phép địa phương được quy định xử lý nợ với các trường hợp nợ bị rủi ro phát sinh do nguyên nhân mang tính chất đặc thù; từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Nói cách khác, TP xin được lấy ngân sách TP để trả nợ thay cho các trường hợp này.

Cha ông ta có câu nói “nhất tội, nhì nợ”. Ý nói sống ở trên đời, nỗi khổ lớn nhất là vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý, bị pháp luật xử lý. Nỗi khổ thứ nhì là mắc nợ, lo chạy ngược, chạy xuôi trả nợ, trả không được thì trốn tránh. Ở đời, cần tránh hai việc đó. Trong cuộc sống hiện đại, với người làm ăn kinh doanh, buôn bán, thì vay mượn để có nguồn vốn là bình thường. Nhưng với nhiều người nghèo, đã khổ sở chạy ăn từng bữa, đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không biết bao giờ trả được món nợ, thì quả là cảnh cùng khổ. Thực tế, có những người đến chết vẫn còn mắc nợ, người thân phải trả thay.

Đề xuất của TP HCM như nêu trên, vì vậy thực sự mang ý nghĩa rất nhân văn, cho thấy Đảng bộ và chính quyền, cơ quan chức năng TP đã rất quan tâm đến công cuộc xóa đói giảm nghèo, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người nghèo, người rơi vào hoàn cảnh khó khăn và đồng hành giải quyết các khó khăn, vướng mắc đó.

Đọc thêm