Trường hợp được miễn thực hành khám, chữa bệnh
Theo dự thảo Nghị định quy định đối tượng phải thực hành và trường hợp được miễn thực hành khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Đối tượng phải thực hành là người đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo một trong các chức danh sau đây: Bác sỹ; Y sỹ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng lâm sàng; Cấp cứu viên ngoại viện; Tâm lý lâm sàng.
Với trường hợp được miễn thực hành khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Nghị định nêu, người đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa theo quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe; Người có văn bằng bác sỹ đã hoàn thành phần đào tạo cơ bản tối thiểu 12 tháng của chương trình đào tạo bác sỹ nội trú.
Người đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy phép hành nghề và giấy phép hành nghề đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thừa nhận. Giấy phép hành nghề do nước ngoài cấp phải đúng chức danh, phạm vi đề nghị cấp giấy phép hành nghề ở Việt Nam.
Nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh gồm: Kỹ năng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với văn bằng chuyên môn của người thực hành. Kỹ thuật hồi sức cấp cứu, an toàn người bệnh, xử lý sự cố y khoa. Kiến thức pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, kỹ năng giao tiếp và ứng xử đối với người bệnh.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất thời gian thực hành khám, chữa bệnh đối với các chức danh chuyên môn cụ thể là: với bác sỹ là 12 tháng; với y sỹ là 9 tháng; với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện là 6 tháng.
Cơ sở thực hành có trách nhiệm bảo đảm người thực hành được làm việc như người hành nghề của cơ sở mình. Trong quá trình thực hành vì lý do sức khỏe hoặc bất khả kháng, người thực hành được tạm dừng thực hành trong thời gian tối đa 12 tháng và được bảo lưu các kết quả thực hành trước đó.
Đối với việc bảo lưu kết quả thực hành, dự thảo Nghị định có nêu, người thực hành có văn bản đề nghị bảo lưu kết quả thực hành và gửi kèm theo các tài liệu chứng minh lý do đề nghị bảo lưu; Căn cứ đề nghị của người thực hành, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét, quyết định việc cho phép bảo lưu; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do; Trong thời gian 30 ngày sau khi hết thời gian bảo lưu, nếu người thực hành không có văn bản đề nghị tiếp tục thực hành hoặc đề nghị gia hạn thời gian bảo lưu thì kết quả bảo lưu không còn giá trị (tổng thời gian của các lần bảo lưu không quá 12 tháng).
Với trường hợp người thực hành chuyển cơ sở hướng dẫn thực hành khác thì không được bảo lưu kết quả thực hành ở cơ sở trước đó, trừ trường hợp các cơ sở thực hành này có ký hợp đồng hợp tác đào tạo thực hành.