Đề xuất phụ cấp đặc thù cho cán bộ xây dựng pháp luật

(PLVN) -Đề xuất phụ cấp đặc thù cho cán bộ xây dựng pháp luật bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng là một trong những chính sách đáng chú ý tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật do Bộ Tư pháp xây dựng.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật, ảnh MH quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật, ảnh MH quochoi.vn

Bộ Tư pháp nhận định, công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn có những hạn chế, bất cập. Về nhân lực, công tác xây dựng pháp luật được xem là hoạt động khó, phức tạp, mang tính trí tuệ cao đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật phải có trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm và cần có chế độ đãi ngộ tương xứng.

Tuy nhiên, các điều kiện bảo đảm về tổ chức, bộ máy, biên chế chưa được kiện toàn và bố trí tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; thiếu đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; chưa có cơ chế để thu hút, đảm bảo và nâng cao chất lượng nhân lực tham gia công tác xây dựng pháp luật; chưa có cơ chế để đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm phát huy khả năng trong công tác xây dựng pháp luật; các bộ quản lý chưa đươc tạo điều kiện để tập trung nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, khiến chất lượng pháp luật hạn chế.

Tại dự thảo, cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý hoạt động xây dựng pháp luật; cán bộ, công chức có vị trí việc làm xây dựng pháp luật hoặc pháp chế tại các đơn vị cấp Vụ, Sở có chức năng xây dựng chính sách, pháp luật của Đảng, của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương hoặc cán bộ, công chức có vị trí việc làm thường xuyên, trực tiếp xây dựng pháp luật ở cơ quan khác; công chức tư pháp ở cơ sở; cán bộ, công chức có vị trí việc làm về phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; cán bộ, viên chức có vị trí việc làm nghiên cứu chiến lược, chính sách về pháp luật được hưởng phụ cấp đặc thù bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng, cộng phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có); được hưởng thù lao, kinh phí thuê khoán chuyên môn theo mỗi nhiệm vụ, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật và phải đảm bảo mức chi vượt trội.

Cán bộ, công chức mà vị trí việc làm kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; cán bộ, công chức tham gia hỗ trợ, triển khai nhiệm vụ xây dựng văn bản chính sách, pháp luật tại tại các đơn vị cấp Vụ, Sở có chức năng xây dựng chính sách, pháp luật của Đảng, của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; cán bộ, công chức khác tham gia vào công tác xây dựng pháp luật được hưởng thù lao, kinh phí thuê khoán chuyên môn theo mỗi nhiệm vụ, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật và phải đảm bảo mức chi vượt trội.

Thu nhập có được từ hoạt động xây dựng pháp luật được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước. Quy định này xây dựng trên cơ sở tham khảo cơ chế ưu đãi đối với người làm công tác nghiên cứu, khoa học quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15.

Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp nêu rõ:“Tăng nguồn lực đầu tư, có cơ chế tài chính đặc thù cho công tác xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng cao trong kỷ nguyên mới; hiện đại hóa môi trường và điều kiện làm việc để đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật yên tâm công tác, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp chung. Có cơ chế phù hợp thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật”

Phát biểu của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và các bài viết, bài phát biểu quan trọng khác của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật.

Đọc thêm