Đề xuất phương án mới về tổ chức chính quyền đặc khu

(PLO) -Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB) tại phiên họp sáng qua (11/1), các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) tiếp tục có ý kiến khác nhau đối với phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Thêm một phương án tổ chức chính quyền địa phương

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH (UBPL) Nguyễn Khắc Định, dự thảo Luật Chính phủ trình QH tại Kỳ họp thứ 4 đề xuất hai phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB.  Phương án 1 đề xuất thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB, còn theo phương án 2, tổ chức chính quyền đơn vị HCKTĐB gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tương tự như ở các đơn vị hành chính hiện nay. Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều bộc lộ nhiều hạn chế. 

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, các chuyên gia và qua thảo luận, phân tích các ưu điểm, hạn chế của hai phương án do Chính phủ trình, nhiều ý kiến trong Thường trực UBPL đề xuất thiết kế Phương án 3 kết hợp các ưu điểm, khắc phục các nhược điểm của phương án 1 và phương án 2. Theo phương án 3, chính quyền ở ĐVHCKTĐB là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND ĐVHCKTĐB (gọi tắt là Hội đồng đặc khu) và UBND ĐVHCKTĐB (gọi tắt là Ủy ban đặc khu) được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản lý, điều hành ở ĐVHCKTĐB cho Chủ tịch Ủy ban đặc khu.

Theo UBPL, nếu thực hiện theo phương án này sẽ có các ưu điểm là bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của ĐVHCKTĐB; thể hiện được chính quyền gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân; có nhiều đổi mới mạnh mẽ phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, phát huy vai trò, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính ĐVHCKTĐB, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị; và không đòi hỏi phải sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Đảm bảo giám sát quyền lực chặt chẽ

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến bày tỏ đồng tình phương án 3 của UBPL vì trong quá trình xây dựng và thông qua Hiến pháp 2013 chúng ta đã có thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường; đã lấy ý kiến toàn dân, chuyên gia và đại biểu QH thảo luận kỹ và cuối cùng kết luận: ở đâu có chính quyền thì ở đó có HĐND, UBND. “Hiến pháp đã kết luận như vậy. Sau đó, chúng ta triển khai Hiến pháp bằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. ĐVHCKTĐB là đơn vị hành chính và cũng phải có HĐND, UBND”, ông Chiến nói. Tuy nhiên, ông Chiến đề nghị việc tổ chức HĐND và UBND theo hướng tinh gọn, Chủ tịch UBND tại ĐVHCKTĐB được tăng thêm quyền hạn, quyền của tập thể giảm bớt nhưng phải tăng cường giám sát để tránh những bài học về việc không giám sát quyền lực một cách chặt chẽ và đủ mạnh. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng bày tỏ đồng tình với phương án 3 với lý do đây là phương án hợp lý, chặt chẽ tạo điều kiện cho chúng ta có bộ máy tinh gọn nhưng hiệu quả cao.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của QH Võ Trọng Việt lại nhất trí phương án 1. Theo ông Đỗ Bá Tỵ, “đã nói đến đặc biệt thì phải khác và mang tính đột phá trên các lĩnh vực, tổ chức bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. “Muốn đặc biệt nhất quyết phải có đột phá. Cho cơ chế rất thoáng nhưng không phải anh muốn làm gì thì làm. Không tổ chức HĐND ở đặc khu nhưng đã có HĐND cấp tỉnh giám sát. Thêm vào đó còn có các chuyên gia được lựa chọn”, ông Tỵ nói. 

Tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các vấn  đề trên phải xin ý kiến Bộ Chính trị hoặc thậm chí phải trình ra trung ương. Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh, tinh thần chung là phải xây dựng mô hình ĐVHCKTĐB có tổ chức gọn nhẹ, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc kiểm soát quyền lực, không vi hiến, không trái nghị quyết của Trung ương, đồng thời bảo đảm cho sự phát triển.

Đã sẵn sàng cho Hội nghị APPF-26 tại Việt Nam

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng khẳng định như vậy tại phiên họp của UBTVQH nghe báo cáo về công tác triển khai, việc phân công chuẩn bị Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) sáng 11/1.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu, QH Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF từ ngày 18 đến 21/1/2018 tại Hà Nội. Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được thông tin đăng ký tham dự Hội nghị của 21/27 đoàn, trong đó dự kiến có 8 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 6 cấp Phó Chủ tịch QH. Hiện có 3 đoàn chưa có danh sách thành viên là Lào, Trung Quốc và Philippines. Do vậy, khách quốc tế dự Hội nghị có thể lên đến 280-300 đại biểu.

Đây là lần thứ 2 QH Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên APPF. Việc đăng cai APPF góp phần tích cực nâng cao uy tín của QH Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung, nhất là nối tiếp sau Tuần lễ Cấp cao APEC tháng 11/2017 cũng được tổ chức ở Việt Nam. Theo dự kiến, Hội nghị APPF sẽ bao gồm phiên họp Nữ nghị sỹ APPF và 4 phiên họp toàn thể. Bên cạnh đó, để ghi dấu ấn 25 năm hình thành và phát triển APPF, đưa ra một giai đoạn phát triển mới của APPF, Quốc hội Việt Nam đề xuất dự thảo Tuyên bố APPF Hà Nội – Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á – Thái Bình Dương.

Đọc thêm