Đề xuất quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực trong ngành kiểm sát

(PLVN) - Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực; áp dụng trong ngành kiểm sát nhân dân.
Ảnh minh họa.

Bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tố cáo

Theo dự thảo, người được bảo vệ gồm: người tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực gửi đến ngành Kiểm sát nhân dân (qua hình thức phản ánh trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính); vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Về nguyên tắc, việc áp dụng và đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ và đúng quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử trong việc tiếp nhận, áp dụng hoặc đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Các biện pháp bảo vệ gồm: bảo vệ bí mật thông tin, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ; bảo vệ vị trí công tác, việc làm; bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Bên cạnh đó, người được bảo vệ được đảm bảo các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 48 Luật Tố cáo năm 2018.

Đáng chú ý, dự thảo đã quy định trách nhiệm của VKSND các cấp. Cụ thể, đối với trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND, khi tiếp nhận Văn bản đề nghị bảo vệ, xét thấy có căn cứ thì VKSND ra quyết định áp dụng đối với các biện pháp thuộc thẩm quyền của mình. Nếu thấy không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết thì thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do cho người đề nghị biết.

Đối với những biện pháp bảo vệ không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của VKSND thì chuyển Văn bản đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền áp dụng theo quy định.

Đối với trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực không thuộc thẩm quyền của VKSND, VKSND hướng dẫn hoặc tiếp nhận và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Thực hiện việc kiến nghị trong trường hợp người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ không thực hiện hoặc không thông báo cho VKSND về việc không áp dụng biện pháp bảo vệ. Các văn bản đề nghị, kiến nghị được ban hành, quản lý theo quy định về chế độ tài liệu Mật.

Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ

Về hồ sơ bảo vệ người tố cáo, dự thảo quy định việc bảo vệ người tố cáo phải được lập thành hồ sơ theo quy định của pháp luật và do đơn vị Thanh tra chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ.

Dự thảo quy định, việc áp dụng biện pháp bảo vệ bí mật thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 56 Luật Tố cáo năm 2018.

Đối với việc áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm, trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND thì khi tiếp nhận văn bản đề nghị áp dụng, xét thấy có căn cứ, VKSND quyết định áp dụng theo quy định. Nếu thấy không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết thì thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do cho người đề nghị biết.

Trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực không thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND thì hướng dẫn hoặc tiếp nhận và chuyển văn bản đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp, theo quy định tại Điều 57 Luật Tố cáo; Điều 6 Thông tư số 03/2020; Điều 6 Thông tư số 08/2020.

Về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm khi có Văn bản đề nghị của người được bảo vệ, VKSND hướng dẫn hoặc tiếp nhận và chuyển đến cơ quan công an có thẩm quyền áp dụng theo quy định.

Ngoài ra, dự thảo Quy định còn nêu rõ điều kiện thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát. Theo đó, trường hợp cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ không thực hiện theo văn bản đề nghị của Viện kiểm sát hoặc thấy không có căn cứ thực hiện nhưng không thông báo rõ lý do cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát (nơi ban hành văn bản đề nghị) ban hành kiến nghị yêu cầu thực hiện đối với người giải quyết tố cáo; cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; đồng thời thông báo đến cơ quan chủ quản của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy (Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh) để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ và cấp uỷ viên, đảng viên có thẩm quyền trong lĩnh vực liên quan để biết, giám sát, chỉ đạo.

Đồng thời, định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm VKSND các cấp phải có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện Quy định về Vụ kiểm sát và giải quyết việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp VKSND Tối cao, theo quy định tại Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân./.

Đọc thêm