Đề xuất cán bộ dân số hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 100%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 15/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Một số cán bộ, nhân viên y tế cho rằng cần bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng là cán bộ dân số để chính sách thực sự sát với thực tế.
Chị Nguyễn Thị Kim Chi, cán bộ dân số xã Lộc Thủy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thời điểm dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Chị Nguyễn Thị Kim Chi, cán bộ dân số xã Lộc Thủy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thời điểm dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Một số đối tượng không được hưởng phụ cấp tăng thêm

Thực hiện Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị “điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 - 70% lên 100%”, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP.

Về đối tượng hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề, Điều 1 của Nghị định quy định: Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ 1/1/2022 đến hết 31/12/2023.

Mức phụ cấp 100% áp dụng với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm Y tế cấp xã, Phòng khám Đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm Y tế cấp huyện và BV tuyến huyện.

Như vậy, đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% theo Nghị định 05 là viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40 - 70% quy định tại Nghị định 56/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC.

Tuy nhiên, với các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 05 thì tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị định 56 và Thông tư liên tịch 02. Điều này dẫn đến lực lượng làm trong ngành Y tế như truyền thông giáo dục sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình... không được hưởng phụ cấp tăng thêm vì họ không nằm trong nhóm đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức 40 - 70% quy định tại Nghị định 56.

Nhớ lại quãng thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19, chị Nguyễn Thị Kim Chi (SN 1983, cán bộ dân số xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho biết, từ tháng 1/2020, chị và các cán bộ dân số tại xã Lộc Thủy được điều động vào tổ phản ứng nhanh, tổ điều trị COVID-19 tại nhà. Từ tháng 5/2021 - 4/2022, chị được điều động thực hiện nhiệm vụ chốt ở tuyến đầu tại địa điểm xã Lộc Thủy. Thời điểm đó xã Lộc Thủy là một trong những tâm điểm dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh. Lực lượng làm xuyên đêm, cứ có thông tin ổ dịch thì lập tức lên đường đi lấy mẫu, điều tra, tránh bỏ sót, lây lan… có ngày lấy đến 1.000 mẫu và 100 ca F0, chưa kể F1, F2...

“Nay Chính phủ quan tâm đến những nỗ lực, cố gắng, vất vả trong thời gian chống đại dịch COVID-19, tăng phụ cấp cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở lên 100%; nhưng chúng tôi lại nằm ngoài danh sách”, chị Chi nói.

Chị Nguyễn Ngọc Quý (SN 1989, cán bộ dân số Trạm Y tế xã Phú An, huyện Phú Vang), cho biết, từng tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 cùng với đội ngũ y tế cơ sở như truy vết điểm nóng, lấy mẫu xét nghiệm hay vận chuyển bệnh nhân cấp cứu. “Những dân số viên đã kề vai sát cánh cùng đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng theo Nghị định 05 thì những người làm công tác dân số lại không được hưởng ưu đãi đó”, chị Quý nói.

Mong được xem xét, hỗ trợ

Được biết, khi Nghị định 05 được ban hành, một số đơn vị y tế đã có văn bản hỏi Bộ Y tế về vấn đề này và xin ý kiến. Ngay bản thân chị Nguyễn Thị Kim Chi cũng đã đại diện cho đội ngũ chuyên trách dân số các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thừa Thiên Huế có đơn gửi Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, MTTQ... cho rằng Nghị định 05 cần đưa cán bộ dân số vào diện được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 100%.

Đơn kiến nghị cho rằng, Nghị định 05 hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở trong thời gian phòng, chống dịch 2 năm, chứ không phải là hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở được hưởng thường xuyên hằng năm. Đồng thời theo Nghị định 56, tại Điều 3 mục 5 khoản a có nêu: “Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để thực hiện các công việc: truyền thông giáo dục sức khỏe; dân số - kế hoạch hóa gia đình”. Theo chị, như vậy với viên chức dân số (cấp huyện, xã) “đều là viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế tại tuyến xã”.

Khi Nghị định 56 ban hành, các đơn vị y tế tuyến huyện là độc lập (gồm BV Đa khoa, Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), nhưng đến 2018 - 2019, các đơn vị này sáp nhập thành Trung tâm Y tế. “Như vậy, chúng tôi là viên chức dân số, cũng là nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế cấp huyện. Chúng tôi kiến nghị những cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống y tế cơ sở có tham gia phòng, chống dịch COVID-19 được hưởng phụ cấp ưu đãi 100% theo Nghị định 05”, đơn nêu.

Ông Trương Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, cho biết, hiện đơn vị có 70 người hợp đồng chuyên môn; bộ phận dân số huyện có 6 người và xã có 14 người. “Sau khi Nghị định 05 ban hành, các cơ sở y tế đã rất phấn khởi. Tuy nhiên, có hai bộ phận là dân số và bộ phận người hợp đồng chuyên môn với Trung tâm (cơ quan tự chi trả, không phải viên chức nhưng họ cũng là bác sỹ, y tá) hiện nay chưa có hướng dẫn chi trả theo Nghị định 05; dù trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra họ cũng là một trong những lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch. Rất mong cơ quan thẩm quyền quan tâm, xem xét”, ông Sơn nói.

Đọc thêm