Đề xuất sửa Luật Phòng chống bạo lực gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ VHTTDL đang dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ - sửa đổi) nhằm đáp ứng thực tiễn.
Đề xuất sửa Luật Phòng chống bạo lực gia đình

Nhiều bất cập, hạn chế

Theo Bộ VHTTDL, sau hơn 13 năm thi hành Luật PCBLGĐ, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Trách nhiệm PCBLGĐ không chỉ riêng của một ngành, một cấp mà thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mọi hành vi BLGĐ đều bị lên án và xử lý.

Tình trạng BLGĐ đã có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ bạo lực. Song tình trạng BLGĐ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ BLGĐ nghiêm trọng.

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này còn cho thấy, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm. Chính vì thế, việc tiến hành sửa đổi Luật PCBLGĐ (năm 2007) là rất cần thiết.

Bộ BHTTDL cho biết, dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) tập trung vào ba nội dung chính: các biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ; khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ.

Tháng 6 hằng năm là Tháng hành động quốc gia

Theo dự thảo sẽ lấy tháng 6 hằng năm là Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ. Nhà nước sẽ bảo đảm nguồn lực cho công tác PCBLGĐ; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động PCBLGĐ ở cộng đồng; đẩy mạnh hình thức giáo dục nêu gương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chấp hành pháp luật về PCBLGĐ.

Nhà nước cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ cho công tác PCBLGĐ; phát triển cơ sở trợ giúp PCBLGĐ. Cơ sở trợ giúp PCBLGĐ ngoài công lập được hưởng chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và giáo dục đào tạo.

Các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác PCBLGĐ sẽ được biểu dương, khen thưởng; nếu bị thiệt hại tài sản mà người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thì được Nhà nước hoàn trả; cá nhân bị tổn hại về sức khỏe được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

Về nội dung cụ thể, thành viên gia đình trong PCBLGĐ có quyền: yêu cầu thành viên khác trong gia đình tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật. Yêu cầu thành viên gia đình chấm dứt ngay hành vi BLGĐ với mình hoặc với thành viên khác trong gia đình.

Các thành viên được chăm sóc, bảo vệ thành viên bị BLGĐ; đưa thành viên trong gia đình bị BLGĐ đi cấp cứu, đến nơi an toàn; báo tin cho cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền về BLGD để kịp thời ngăn chặn.

Người bị BLGĐ có các quyền sau đây: yêu cầu các thành viên gia đình và xã hội tôn trọng, bảo vệ, hỗ trợ, đảm bảo chỗ ở an toàn và giữ bí mật đời tư; được thông tin về các quyền và nghĩa vụ liên quan khi giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, xử lý vụ việc BLGĐ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm tiếp xúc; bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác theo quy định của Luật này; được bố trí chỗ ở an toàn, được giữ bí mật về chỗ ở và thông tin khác; được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật.

Trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ phí dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật về PCBLGĐ; yêu cầu người gây BLGĐ bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; được ưu tiên chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên trong trường hợp ly hôn; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế buộc người gây bạo lực thực hiện các nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng con và hỗ trợ người bị BLGĐ nuôi con chưa thành niên theo quyết định của tòa án trong trường hợp ly hôn; được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; vay vốn phát triển kinh tế gia đình...

Về trách nhiệm, nghĩa vụ của người gây BLGĐ dự thảo Luật nêu rõ: chấm dứt hành vi BLGĐ; chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; kịp thời đưa người bị BLGĐ đi cấp cứu; chăm sóc người bị BLGĐ trong thời gian điều trị tại cơ sở chữa bệnh, trừ trường hợp người bị BLGĐ từ chối; chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị BLGĐ, bồi thường thiệt hại cho người bị BLGĐ khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm của Công an, VKSND, TAND các cấp: chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCBLGĐ.

Đọc thêm