Đề xuất “Tạm hoãn xuất cảnh đối với người chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án”: Nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ

(PLVN) - Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 17/5 đăng tải bài viết “Chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án: Chưa được xuất cảnh?”. Theo đó, khi xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đề xuất tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án chưa thi hành xong nghĩa vụ theo bản án, quyết định, đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ Tư pháp đề xuất, bổ sung trong quyết định thi hành án dân sự có nội  dung: “Người phải thi hành án khi chưa thi hành xong nghĩa vụ thì chưa được xuất cảnh, đồng thời gửi quyết định thi hành án này cho cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh". Để có góc nhìn đầy đủ, chuẩn xác, thấu tình đạt lý, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia pháp lý và người dân.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội) nêu quan điểm: “Cần phải xem xét vào tình huống cụ thể, đối với vụ án thông thường, giản đơn. Ví dụ, nợ tiền có giá trị không lớn hoặc những vụ án dân sự hôn nhân gia đình, thì không nhất thiết phải cấm, tạm dừng xuất cảnh.

Tuy nhiên, đối với những vụ án nghiêm trọng, đặc biệt là những vụ án tham nhũng lớn, cấm xuất cảnh là rất cần thiết. Do đó, phải cá thể hóa các đối tượng, không nên cứng nhắc, không nên áp dụng chung cho tất cả các đối tượng”.

Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Luật hình sự, giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Hà Nội) cho hay: “Đề xuất này là chuẩn xác và rất cần thiết với tất cả các trường hợp. Ở các nước họ áp dụng điều này từ lâu, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như việc nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân.

Hơn nữa, pháp luật cần phải chuẩn, chính xác và rõ ràng. Do đó, bất cứ trường hợp nào có liên quan đến phải thực hiện thi hành án dân sự trong vụ án dân sự và dân sự trong vụ án hình sự, đều phải thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án dân sự, đặc biệt là nghĩa vụ dân sự trong các vụ án hình sự nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Tiến sĩ Đào Hồng Thu (nguyên Trưởng bộ môn Ngôn ngữ, Đại học Bách Khoa Hà Nội) phân tích: “Việc tạm ngừng xuất cảnh đối với một người đang phải chịu trách nhiệm thi hành án dân sự là điều rất cần thiết. Ở các nước, họ làm vấn đề này rất chặt chẽ, công bằng, minh bạch. Đáng lẽ, pháp luật phải đưa ra quy định này từ lâu, để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan”. 

Theo Luật sư Trần Xuân Thành (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): “Bản thân tôi là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều đương sự trong vụ án dân sự, tôi hiểu và nắm rõ, sự chây ì của một số cá nhân trong việc họ phải thi hành nghĩa vụ trong vụ án dân sự. Điều này khiến vụ án kéo dài, gây bức xúc cho các đương sự có liên quan. Vì vậy, tôi đồng tình với dự thảo đề xuất của Bộ Tư pháp”. 

Không chỉ các chuyên gia pháp lý, các nhà chuyên môn mà rất nhiều người dân cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đề xuất này. Ông Hoàng Văn Thanh, một người dân Hà Nội cho biết: “Tôi thấy đề xuất này của Bộ Tư pháp là rất đúng, hợp tình, hợp lý. Quy định này đưa ra nhằm tránh tình trạng người phải thi hành án dân sự trốn tránh trách nhiệm, chây ì, xem thường luật pháp”.

Còn bạn đọc Mai Quốc Thái ở Nga Sơn, Thanh Hóa chia sẻ: Tôi thấy nhiều người phải trả nợ, phải thực hiện trả một phần tài sản theo phán quyết của Tòa bằng tiền hoặc bất động sản thì họ chây ì, trốn tránh bằng cách đi xuất khẩu lao động hoặc đi định cư ở một nước nào đó, gây khó khăn cho người thực thi pháp luật. Theo ý kiến của tôi, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này vì nó bảo vệ người đúng, bảo vệ lẽ phải”. 

Để quy định cụ thể cơ chế thực hiện thống nhất trong toàn quốc, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Người phải thi hành án là công dân Việt Nam chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án thì chưa được xuất cảnh.
Quyết định thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải có nội dung về việc chưa cho xuất cảnh đối với người phải thi hành án và gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh. 

Đọc thêm