Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

(PLVN) -  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, sẽ tăng nặng mức phạt đối với các hành vi vi phạm để tăng tính răn đe, cảnh báo.
Ảnh minh họa

Quy định hiện hành có nhiều hạn chế

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), qua tổng kết thực tiễn 6 năm thi hành, Nghị định 79/2015/NĐ-CP (NĐ 79) đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đồng thời giúp hạn chế và phòng ngừa các hành vi vi phạm trong tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 79 hiện nay đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế.

Cụ thể, mức xử phạt đối với một số hành vi VPHC còn thấp, không đủ sức răn đe, phòng ngừa các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; chưa quy định cụ thể từng đối tượng bị xử phạt; chưa quy định mức độ vi phạm gồm: Không nghiêm trọng, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; chưa quy định biện pháp xử phạt “trục xuất” đối với cá nhân là người nước ngoài có hành vi VPHC trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Xử lý VPHC; chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ đối tượng bị xử phạt; biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người học đã được xét công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo giáo dục nghề nghiệp hoặc đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp như: Vi phạm về liên kết đào tạo, tuyển sinh vượt quá quy mô tuyển sinh/năm được cấp; không công khai văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp...

Cùng với đó, NĐ 79 chỉ giao thẩm quyền lập biên bản VPHC cho người có thẩm quyền xử phạt VPHC và cán bộ, công chức là thành viên đoàn thanh tra khi đang thi hành công vụ nên rất hạn chế số vụ việc VPHC được phát hiện, lập biên bản xử phạt VPHC; chưa phân định rõ thẩm quyền xử phạt của từng chức danh theo từng hành vi VPHC, từng điều, khoản, điểm nên quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, nhất là thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện.

Bổ sung thẩm quyền xử phạt

Theo Bộ LĐ,TB&XH, dự thảo Nghị định thay thế NĐ 79 đang lấy ý kiến nhân dân sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh từ thực tiễn thi hành và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, dự thảo Nghị định sẽ bảo đảm tất cả các hành vi VPHC về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đều có hình thức xử lý theo quy định.

Dự thảo quy định bao quát, đầy đủ về phạm vi, đối tượng áp dụng, các hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt, mức xử phạt và các quy định khác để phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, Luật Việc làm; Luật Xử lý VPHC 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.

Theo Ban soạn thảo, dự thảo Nghị định cũng sẽ sửa đổi mức xử phạt tiền đối với một số hành vi VPHC đã được quy định tại Nghị định số 79/2015/NĐ-CP nhưng không còn phù hợp với thực tiễn (quá thấp) để bảo đảm đủ hiệu lực phòng ngừa, răn đe các đối tượng cố ý vi phạm như các nhóm hành vi vi phạm về: tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý, cấp, phát văn bằng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp, các hành vi gian lận để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp,... Bổ sung quy định về thẩm quyền lập biên bản, xử phạt VPHC, phân định thẩm quyền xử phạt VPHC của từng chức danh trong nghị định xử phạt VPHC bảo đảm phù hợp với nguyên tắc của hoạt động quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, theo địa bàn, lãnh thổ, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh đó, phù hợp với Luật Xử lý VPHC 2012 và Luật sửa đổi, bổi sung một số điều Luật Xử lý VPHC 2020.

Đọc thêm