Chiều nay, 9/11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình về dự án Luật tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sửa đổi Luật để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Luật gồm gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều.
Về những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo Luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 nội dung lớn về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.
Theo đó, về hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án, dự thảo Luật quy định tổ chức lại bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp cao; đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, dự thảo Luật bổ sung quy định trong hệ thống Tòa án có các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù, thể chế hóa chủ trương được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng “xây dựng Tòa án chuyên nghiệp”.
Nhiều nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đã đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết hiệu quả các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù.
Việc thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, tùy thuộc vào tình hình thực tế. Các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt được thành lập sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các loại việc này.
Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành quy định trong tổ chức Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số loại việc có tính chất đặc thù, đòi hỏi chuyên môn hóa cao, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của Tòa án, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Khi thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt cụ thể thì phải lập Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo Quốc hội rõ thêm về thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt cụ thể, số lượng và địa hạt pháp lý các Tòa án này; quy định ngay trong dự thảo Luật các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; chỉ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về số lượng, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ Tòa án này. Việc quy định trong tổ chức Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt cần có ý kiến của cấp có thẩm quyền.