Tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người nghèo
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian vừa qua hoạt động kinh doanh xổ số góp phần tạo việc làm cho khoảng gần 500.000 người thuộc các đối tượng chính sách, người nghèo, người không nơi nương tựa thông qua việc làm đại lý bán vé xổ số, với mức thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2008 (đối với 21 tỉnh, thành phố phía Nam) và từ năm 2011 (đối với 14 tỉnh, thành của miền Trung), Bộ Tài chính đã thực hiện khống chế doanh số vé số phát hành của doanh nghiệp trong từng kỳ mở thưởng nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu thụ vé, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xổ số.
Đồng thời kiểm soát sự phát triển quá nóng của thị trường, đặc biệt là đối với khu vực miền Nam. Thị trường xổ số hiện nay phát triển mạnh, đặc biệt là khu vực miền Nam, nơi có tỷ lệ tiêu thụ vé bình quân năm 2021 trên 83%, các doanh nghiệp đều kinh doanh có lãi.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thành lập Công ty xổ số điện toán Việt Nam năm 2012 cũng đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm xổ số theo hướng hiện đại, nâng cao tính minh bạch, khách quan và trung thực trong hoạt động kinh doanh xổ số, góp phần đấu tranh với các tệ nạn cờ bạc, số đề bất hợp pháp.
Doanh thu lũy kế từ tháng 7/2016 đến tháng 12/2021 của hoạt động kinh doanh này là 23.772 tỷ đồng, nộp ngân sách 6.007 tỷ đồng, lần lượt chiếm tỷ trọng 3,9 % và 3,1% tổng doanh thu và số nộp ngân sách của cả nước, số tiền trả thưởng là 12.422 tỷ đồng, bằng 52,2% doanh thu bán vé. “Doanh thu và số nộp NSNN tuy còn hạn chế nhưng hoạt động kinh doanh xổ số điện toán đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra, từng bước được thị trường và người chơi chấp nhận, là kênh vui chơi, giải trí lành mạnh của một bộ phận người dân, đóng góp nguồn thu cho ngân sách các địa phương”- theo Bộ Tài chính.
Bộ này cũng cho rằng, trong các năm vừa qua, hoạt động kinh doanh xổ số được điều hành theo hướng vừa đảm bảo số thu cho NSNN vừa được quản lý, giám sát chặt chẽ, phòng ngừa các sai phạm và về cơ bản đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngăn chặn các hành vi vi phạm mới
Theo Bộ Tài chính, qua quá trình tổ chức thực hiện Nghị định số 30/2007/NĐ-CP, Nghị định số 78/2012/NĐ-CP, Nghị định số 151/2018/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh xổ số đã đạt được các kết quả tích cực như nêu trên. Tuy nhiên, trong các năm gần đây Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành cần thiết phải sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định về kinh doanh xổ số.
Bên cạnh đó, thị trường kinh doanh xổ số ngày càng phát triển về quy mô, trên thị trường xuất hiện các hành vi vi phạm mới, do đó cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm, quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố... để phù hợp với sự phát triển của thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, Nghị định số 30/2007/NĐ-CP và Nghị định số 78/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định kinh doanh xổ số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo không ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, mặc dù đã có quy định về hạn mức doanh số phát hành của từng công ty, địa bàn phát hành vé của từng khu vực nhưng để tăng doanh thu, lợi nhuận, vẫn có trường hợp một số công ty thực hiện in và phát hành vé vượt quá hạn mức doanh số phát hành của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, có hiện tượng các tổ chức, cá nhân không phải là đại lý cấp 1 của các công ty XSKT khu vực miền Nam (là người ký hợp đồng trực tiếp với công ty XSKT) mang vé xổ số của các công ty khu vực miền Nam bán tại địa bàn của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung (như Ninh Thuận, Đắk Nông, Đắk Lắk). Tình trạng này đã gây lộn xộn thị trường xổ số miền Trung và ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, xuất hiện trường hợp một số tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số thông qua các thiết bị điện tử, viễn thông, internet ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số (ví dụ như dịch vụ mua hộ vé xổ số qua ứng dụng ví điện tử, dự thưởng vé xổ số loto,...). Do đó, cần thiết phải bổ sung các hành vi này là hành vi bị nghiêm cấm để có căn cứ xử lý vi phạm.
Ngoài ra, thời gian qua khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các địa phương, một số doanh nghiệp xổ số phải tạm dừng kinh doanh tại địa bàn để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hoặc quyết định của UBND các tỉnh, thành phố. Đối với những vé xổ số trúng thưởng của các kỳ quay số mở thưởng trước khi thực hiện giãn cách xã hội, người trúng thưởng không thể đến lĩnh thưởng và doanh nghiệp kinh doanh xổ số không thể trả thưởng cho khách hàng theo đúng thời hạn quy định.
Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, cần thiết phải bổ sung quy định về các trường hợp khách quan, bất khả kháng tại dự thảo Nghị định như: Thời hạn trả thưởng đối với vé xổ số trúng thưởng trong thời gian giãn cách xã hội; hoàn trả tiền mua vé cho khách hàng đã mua vé nhưng không được tham gia dự thưởng do lịch mở thưởng bị hủy bỏ để có căn cứ triển khai thực hiện.
Thống kế cho thấy, doanh thu bình quân tăng 10,2%/năm trong giai đoạn từ 2007 – 2021. Năm 2021, doanh thu xổ số toàn quốc là 87.356 tỷ đồng bằng 0,9% GDP. Nộp ngân sách bình quân tăng 12,17%/năm trong giai đoạn 2007-2021, năm 2021 số thu cho NSNN từ nguồn XSKT là 31.597 tỷ đồng góp phần đầu tư cho y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội tại các địa phương theo Nghị quyết Quốc hội.