Chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực tiễn tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị cho thấy, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì Khánh Hòa rất khó thực hiện được các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.
Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, gần đây là Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng và Cần Thơ đã được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và bước đầu phát huy hiệu quả.
Chủ tịch QH cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết. |
Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhận thấy dự thảo Nghị quyết quy định chưa có chính sách mới, đột phá về ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, nên chăng Chính phủ, QH cho áp dụng cơ chế đặc thù thí điểm để khấu trừ chi phí liên quan đến nghiên cứu phát triển vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đây là kinh nghiệm rất phổ biến trên thế giới, có thể dành cho tất cả các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, còn chí ít phải dành nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Gói kích thích kinh tế vừa qua của chúng ta chưa có việc này trong khi khấu trừ chi phí phát triển là đúng với trào lưu, xu hướng của chúng ta.
Chủ tịch QH cũng đặt vấn đề, bên cạnh các ưu đãi, doanh nghiệp cũng muốn nhanh chóng được thông qua chủ trương đầu tư trong Khu kinh tế theo quy trình là các bộ, ngành có ý kiến và tỉnh quyết định chủ trương thì có được không?.
Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung quy định đủ mạnh; cam kết nghĩa vụ, ưu đãi đối với nhà đầu tư. Xử lý khi nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết. “Tôi rất lo ngại nhà đầu tư đăng ký lấy đất, để đó, không đầu tư, hoặc đầu tư không đồng bộ sẽ phá vỡ Khu kinh tế Vân Phong”, ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ.
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, UBTVQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Các đại biểu cho rằng, phát triển Khánh Hòa không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, cần lưu ý, Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Do đó cần quy định cụ thể đối với nhà đầu tư chiến lược phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Qua thảo luận, UBTVQH nhất trí bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, thống nhất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua Nghị quyết tại 1 kỳ họp trình QH xem xét, quyết định tại Kỳ họp tháng 5/2022./.