Tại văn bản gửi Chính phủ mới đây về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề xuất cho phép các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3.
Theo đó, người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đề xuất tịch thu xe máy khi người điều khiển cố tình đi vào đường cao tốc.
Vì con người?
Theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia luôn xác định rằng, không có gì quý giá hơn tính mạng của con người. Một chiếc xe máy, một chiếc ô tô không thể so sánh được với tính mạng của mỗi chúng ta, của người thân chúng ta. Vì hệ lụy của tai nạn giao thông là cực kỳ lớn. Nhiều gia đình mất đi người thân, rơi vào cảnh bần cùng cũng chỉ vì tai nạn giao thông.
Ủy ban ATGTQG cho biết, đề xuất hình thức xử phạt là tịch thu phương tiện vi phạm ở một số hành vi nguy hiểm để ngăn ngừa những hành vi này xảy ra. Mục đích của hình thức xử phạt nặng là để giáo dục, răn đe người dân, tạo cho người dân ý thức “không vi phạm giao thông”, ngăn ngừa những hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm như tôi vừa nêu trên.
Đối với cơ quan đưa ra đề xuất, không phải để xử phạt, để tịch thu phương tiện mà để ngăn ngừa xảy ra hành vi vi phạm, để giáo dục ý thức cho người dân khi tham gia giao thông. Chúng tôi muốn người dân phải ghi nhớ về việc không vi phạm giao thông từ những chế tài nặng như thế này. Không một cơ quan nào mong muốn người dân vi phạm giao thông để xử phạt, để tịch thu tài sản cả. Nếu suy nghĩ như vậy thì hoàn toàn thất bại với những quy định pháp luật mà chúng ta đưa ra.
“Chúng ta đưa ra chế tài để cảnh báo người dân, ngăn ngừa hành vi vi phạm, đó là mục tiêu mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hướng đến khi đưa ra đề xuất” – ông Khuất Việt Hùng khẳng định.
“Hiện nay luật xử lý vi phạm hành chính có quy định rất rõ hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm. Căn cứ vào quy định hiện hành của pháp luật, chúng tôi mới đưa ra đề xuất trên. Nếu mức rủi ro không quá cao, chúng tôi đồng ý là có thể xử phạt bằng tiền, nhưng với trường hợp hành vi đó uy hiếp an toàn giao thông quá lớn không chỉ cho những người vi phạm mà cả hàng trăm xe ô tô đang chạy với tốc độ cao thì không thể như thế được bởi hậu quả sẽ cực kỳ lớn. Mục tiêu của xử phạt vi phạm hành chính không phải là để tịch thu phương tiện hay phạt để lấy tiền mà đó là để bảo vệ quyền lợi của người dân” – ông Hùng giải thích thêm.
Muốn tịch phải sửa luật?
Tuy nhiên, khi trao đổi trên Đài tiếng nói Việt Nam, Luật sư Nguyễn Đăng Quang (Văn phòng Đăng Quang và cộng sự) cho rằng: “Mục đích bảo vệ tính mạng con người, giảm thiểu tai nạn giao thông lá rất đúng nhưng việc áp dụng chế tài tịch thu phương tiện tham gia giao thông là không khả thi”.
Giải thích cho quan điểm của mình, Luật sư Nguyễn Đăng Quang cho rằng: Thứ nhất: Chế tài tịch thu phương tiện thuộc sở hữu của người tham gia giao thông chưa được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 171/2013/ND-CP về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang có hiệu lực pháp luật mới chỉ quy định mức xử phạt cao nhất đến 15 triệu đồng đối với hành vi người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là ô tô xe máy có nồng độ cồn cao trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở (Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP) , chưa quy định chế tài tịch thu phương tiện thuộc sở hữu của người tham gia giao thông đối với các hành vi vi phạm, chưa nói đến phương tiện vi phạm giao thông đó không thuộc sở hữu của người điều khiển phương tiện. Theo đó, có đề xuất thì Nghị định của Chính Phủ không thể quy định những chế tài mà chưa được quy định trong Luật xử phạt hành chính!
Điểm thứ hai được Luật sư Quang đưa ra là: Đề xuất trên không phù hợp với những quy định của Bộ Luật Dân sự quy định về chấm dứt quyền sở hữu tại Điều 254 BLDS tài sản bị tịch thu: Khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.
Đối chiếu với điều luật này, theo Luật sư Quang, chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tịch thu bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, chưa có cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào khác được ra quyết định tịch thu bởi chưa được quy định chế tài tịch thu trong Luật xử lý vi phạm hành chính như đã nêu trên.
“Vì vậy, đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là chưa khả thi, phải đợi đến khi Quốc hội sửa lại Luật xử lý vi phạm hành chính” – ông Quang nhấn mạnh.
Phạt xe không chính chủ thế nào?
Tờ Đời sống & pháp luật dẫn lời Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật Giang Thanh) cho rằng quy định về tịch thu phương tiện đã có trong luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012.
Luật này nêu rõ: Người vi phạm hành chính có thể bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Luật sư Giang Hồng Thanh. |
Tuy nhiên theo ông Thanh, vấn đề đặt ra là có cần thiết phải áp dụng biện pháp xử lý này, nhất là với người vi phạm lần đầu và chưa gây ra hậu quả gì chưa? Nếu phương tiện không phải thuộc quyền sở hữu của người lái xe, thì phải chăng là “quýt làm cam lại chịu”?
Do vậy, luật sư Thanh cho rằng ý tưởng rất đáng hoan nghênh song cần phải cân nhắc bởi tính chất nguy hiểm cho xã hội của một anh lái xe say xỉn không lớn bằng hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác.
“Ô tô lại là tài sản có giá trị lớn. Nếu chỉ vi phạm lần đầu, chưa gây hậu quả gì mà lại bị tịch thu phương tiện thì e rằng người bị xử lý sẽ phản ứng gay gắt. Dư luận cũng sẽ không đồng tình”, ông Thanh nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện chưa hẳn đã là chủ sở hữu, vậy là sẽ xảy ra tình huống “quýt làm mà cam chịu” rất khó chấp nhận.
Do vậy, ông Thanh kiến nghị đối với các trường hợp lái xe có nồng độ cồn quá cao, trường hợp là chủ sở hữu xe thì ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe cần yêu cầu họ ký cam kết trong thời hạn bao nhiêu lâu không được tái phạm. Nếu không chấp hành sẽ áp dụng hình phạt tịch thu phương tiện.
Còn nếu người điều khiển không phải là chủ sở hữu, yêu cầu chủ sở hữu phải cam kết quản lý phương tiện của mình. Nếu đến lần thứ hai, thứ ba mà phương tiện đó vẫn tái phạm thì bị tịch thu.
Riêng với đề xuất tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện khi đi vào đường cao tốc, luật sư Thanh cho rằng chưa nên áp dụng hình thức này mà nên áp dụng các biện pháp khác phù hợp hơn như nâng mức phạt.
“Đôi lúc những người lái xe này chỉ là vô ý, thiếu quan sát hoặc do nhầm lẫn, thiếu hiểu biết chứ không hoàn toàn do cố ý. Việc tịch thu phương tiện của họ chắc chắn cũng sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực”, ông Thanh nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty luật Quốc Tế Hồng Thái và Đồng nghiệp
cho rằng đề xuất tịch thu các phương tiện nói trên là vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân trong Hiến pháp 2013.
Ông Thái cũng cho biết, khoản 2 Điều 169 Bộ Luật dân sự có quy định về bảo vệ quyền sở hữu rõ như sau: “Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ.