Nhiều ý kiến trái chiều sau đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc

(PLO) - Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có văn bản gửi Chính phủ đề xuất một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm giao thông và giảm tỷ lệ tai nạn giao thông.
Hãi hùng xe máy đi vào đường cấm
Theo thống kê, chỉ tính riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước đã có hơn 7.000 xe máy bị tạm giữ vì vi phạm an toàn giao thông, trong đó nhiều hành vi vi phạm luật giao thông phổ biến như: lái xe khi uống rượu bia, lạng lách gây tai nạn; điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm. 
Trong đó, không ít các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xuất phát từ vi phạm đi vào đường cao tốc của xe gắn máy. Cụ thể, ngày 30/10/2014 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một chiếc xe máy đã “húc” thẳng vào đầu ôtô đang lưu thông trên đường cao tốc. 
Hay mới đây nhất, theo ghi nhận thực tế của người viết trên đoạn km142 đi Lào Cai (cao tốc Nội Bài - Lào Cai), mặc dù đoạn đường đã cắm biển cấm nhưng xe máy, xe đạp, thậm chí cả người đi bộ vẫn ngang nhiên đi lại, bất chấp tuyến ô tô đang lưu thông tốc độ cao.  
Tình trạng xe máy, xe thô sơ đi vào tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai không phải duy nhất và bây giờ mới xuất hiện. Những hành vi vi phạm này còn diễn ra khá phổ biến trên các tuyến cao tốc khác như: Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đại lộ Thăng Long, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường vành đai 3 Hà Nội đoạn đi trên cao... 
Anh Đinh Văn Biền, một lái xe taxi thường xuyên chạy tuyến Nội Bài - Lào Cai cho biết: “Ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều người thực sự chưa tốt nên cần phạt thật nặng đối với những trường hợp biết cấm nhưng vẫn cố tình đi. Có như thế mới giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra từ những người đi vào đường cấm”. 
Xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị tịch thu?
Xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị tịch thu?  
Đồng thuận với ý kiến này, một tài xế khác bức xúc: “Tưởng tượng mà xem, ô tô chạy trên đường cao tốc với tốc độ rất cao, nếu có xe máy cản trở, việc để không xảy ra tai nạn là rất khó. Phải răn đe mạnh người vi phạm để họ tôn trọng luật, tôn trọng chính tính mạng bản thân…”. 
Trong một kế hoạch kiện toàn mạng lưới, hạ tầng giao thông tầm nhìn 2020, nước ta sẽ xây dựng thêm 2.500km đường bộ cao tốc. Hiển nhiên, nếu cứ để tình trạng người tham gia giao thông nhờn luật, cố tình vi phạm, điều khiển xe vào các tuyến đường cấm tràn lan như hiện nay, sẽ tạo ra nguy cơ gia tăng các vụ TNGT.  
Cần cân nhắc thêm nhiều giải pháp đảm bảo an toàn
Được biết, vừa qua Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đang tính tới việc tịch thu xe mô tô nếu đi trên đường cao tốc để bán đấu giá, dành tiền tặng người nghèo. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch UB ATGTQG nhấn mạnh, đây chỉ là một trong số những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm giao thông và kéo giảm tỷ lệ TNGT.
Hiện đã có nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xử phạt hành vi xe hai bánh đi vào đường cao tốc. Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận, có thể thấy chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe người vi phạm, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng nhờn, coi thường pháp luật. Dù vậy, quanh vấn đề trên, những luồng ý kiến trái chiều nảy sinh là khó tránh khỏi. 
Có không ít ý kiến cho rằng việc tịch thu xe máy sẽ rất khó khả thi. Một luật sư cho rằng, điều này sẽ vi phạm quyền sở hữu, trong đó có quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản được quy định trong pháp luật dân sự. 
Nếu người vi phạm giao thông, thông thường thì chỉ có thể phạt tiền, tước giấy phép lái xe. Ý kiến khác lại nhận định, hành vi đi ngược chiều cao tốc là lỗi của người điều khiển, không phải lỗi của chiếc xe, cũng không phải lỗi của chủ xe nếu chiếc xe vi phạm đó là đồ đi mượn. 
Hơn nữa, từ trước đến nay các tang vật, phương tiện bị thu hồi hầu hết đều nằm trong nhóm các hành vi nguy hiểm ở mức độ hình sự. Nếu đối chiếu lại thì vi phạm giao thông là vấn đề ý thức, thậm chí là sơ suất, nhầm lẫn…
Chưa vội bàn đến những hạn chế còn đang tranh cãi, nếu nhìn nhận vấn đề này trên góc độ tích cực có thể thấy nếu đề xuất này được triển khai, nó sẽ góp phần đáng kể trong việc ngăn chặn tình trạng vi phạm giao thông, giúp kéo giảm mạnh tỉ lệ TNGT.
Và, sẽ chu toàn hơn nếu một vấn đề khác cũng được tính đến đó là việc các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc đa phần thường chạy với tốc độ cao, vì thế phải nhất thiết tính đến các yếu tố đảm bảo an toàn đi kèm như: làm sao để dừng được các phương tiện đi với tốc độ cao; phản ứng của các lái xe vi phạm khi thấy lực lượng chức năng sẽ quay đầu chạy, gây hỗn loạn giao thông… Khi đó, việc tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc sẽ thực sự là “thuốc” tốt chữa được “bệnh” nhờn luật./.

Đọc thêm