Đề xuất xây dựng Luật sung công, quy định tội danh “Làm giàu bất chính”

(PLO) - Không phải ngẫu nhiên khi nhiều ý kiến cho rằng, thu hồi tài sản tham nhũng đang là khâu yếu nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện nay. Bởi vậy, mới đây, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật Sung công tài sản, đồng thời quy định tội danh “Làm giàu bất chính”.
Chống tham nhũng cần có tội danh “Làm giàu bất chính”
Chống tham nhũng cần có tội danh “Làm giàu bất chính”

Thời gian giám định dài hơn thời hạn điều tra vụ án

Nhìn chung, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam rất ít khi chạm tới con số 30- 40%, thậm chí có những địa phương tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 10-20%. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2006 đến năm 2015, Công an thành phố này thụ lý điều tra 152 vụ án tham nhũng, chức vụ với tổng giá trị tài sản thiệt hại, phạm tội trên 600.844.000.000 đồng và 136.000 USD, nhưng chỉ thu hồi cho Nhà nước trên 40 tỷ đồng. Hay như tỉnh Quảng Ninh, dù trị giá thiệt hại trong các vụ án tham nhũng là 153,176 tỷ đồng nhưng trị giá thu hồi được chỉ là 29,761 tỷ đồng.

Ngoài những lý do lâu nay vẫn đề cập đến, như việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức còn hình thức; công tác giám sát có nhiều bất cập… các chuyên gia pháp luật cũng chỉ ra rằng, quy trình đánh giá hậu quả vật chất của vụ án vẫn chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng - dẫn đến vụ án bị kéo dài - cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN mới đây, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc xác định rõ hậu quả vật chất đối với một số tội phạm tham nhũng là yêu cầu bắt buộc để có căn cứ kết luận dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp rất khó xác định, do hành vi vi phạm của đối tượng xảy ra đã lâu, tại thời điểm điều tra không còn đủ căn cứ để định lượng thiệt hại về vật chất. Bên cạnh đó, việc xác định, đánh giá hậu quả phi vật chất (ví dụ như uy tín của cơ quan, niềm tin của nhân dân...) trong một số vụ án cũng chưa có sự thống nhất giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát, Tòa án. 

Ngoài bất cập trên, vị tướng này cũng thừa nhận, công tác giám định tư pháp hiện vẫn còn không ít tồn tại, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản... Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, có một số vụ việc các đối tượng phạm tội đã cố tình dây dưa, không quyết toán công trình nhằm che giấu hành vi phạm tội, trong khi đó các Cơ quan tố tụng còn có quan điểm khác nhau cho rằng các hành vi chiếm đoạt tài sản chỉ được coi là tội phạm sau khi quyết toán công trình, rất khó khăn cho việc xử lý vụ án.  

“Có vụ án thời gian giám định lên tới 13 tháng, dài hơn thời hạn điều tra vụ án. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc điều tra một số vụ án bị kéo dài, vi phạm thời hiệu điều tra”-  Tướng Vương nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC cũng dẫn ra thực tế đáng suy ngẫm. Theo ông Phong, đối với các vụ án tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, xây dựng cơ bản, tài nguyên khoáng sản… hầu hết đều phải trưng cầu giám định, định giá tài sản mới đủ căn cứ để giải quyết vụ án. Nhưng phương tiện, quy trình, quy chuẩn giám định ở một số lĩnh vực này chưa đáp ứng yêu cầu, có những vụ án phải giám định bổ sung, giám định lại nhiều lần.

Kê biên, phong tỏa tài sản phải được ưu tiên hàng đầu

Trên thực tế, trong hầu hết các vụ án, đối tượng tham nhũng thường tẩu tán tài sản rất tinh vi bằng cách cho đứng tên người khác, thậm chí tẩu tán ra nước ngoài. Bởi vậy, trong những vụ án tham nhũng mà việc sử dụng vốn đầu tư, mua sắm có liên quan đến yếu tố nước ngoài thì các cơ quan chức năng buộc phải yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp, song đây là việc làm mất nhiều thời gian và không hề đơn giản do sự khác biệt về luật pháp giữa Việt Nam với các nước hoặc nhiều nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam.

“Vấn đề hợp tác quốc tế, dẫn độ trong các vụ án này gặp nhiều khó khăn, không nhận được sự hỗ trợ của bên ngoài” - Thượng tướng Lê Quý Vương chia sẻ.

Giải quyết những bất cập trên, nhiều ý kiến đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy phạm pháp luật về “tội tham nhũng có yếu tố nước ngoài” trong các văn bản pháp luật hình sự Việt Nam.

Bên cạnh đó, tăng cường tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam với các nước; trong đó, quy định cụ thể về thẩm quyền xác minh, phong tỏa, thu giữ tịch thu tài sản tham nhũng ở Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài và đối với tài sản tham nhũng ở nước ngoài có nguồn gốc từ Việt Nam. 

Riêng đối với biện pháp khắc phục hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, mới đây, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật Sung công tài sản; quy định tội danh “Làm giàu bất chính”; từng bước nội luật hóa các quy định về xử lý tài sản tham nhũng quy định trong Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, gồm: bổ sung chế định thu hồi tài sản vào Luật Tương trợ tư pháp hiện hành; bổ sung vào Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành quy định chấp nhận thi hành phần dân sự trong phán quyết hình sự của Toà án hình sự các nước…

Và trước mắt, “việc kê biên, phong tỏa tài sản phải được ưu tiên tiến hành sớm ngay sau khi khởi tố; đồng thời, coi đây là một trong những tiêu chí kiểm sát để kiến nghị kịp thời với các cơ quan trong quá trình giải quyết vụ án”- ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC đề nghị.

Đọc thêm