Về phía Đoàn khảo sát có ông Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng đoàn.
Đề cao vai trò người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày cho biết: việc phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết TW 3 (khóa X) và Kết luận số 21 được Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ thực hiện nghiêm túc. Để cụ thể hóa, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng tham mưu, xây dựng, ban hành 11 chương trình, kế hoạch, quy chế, quy tắc để cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí trong cơ quan Bộ.
Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng lãng phí để phát hiện và khắc phục kịp thời các vi phạm. Các đơn tố cáo cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng đều được xác minh, làm rõ. Các trường hợp tham nhũng được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Đơn vị theo dõi, tham mưu, cán bộ làm công tác PCTN, lãng phí được kiện toàn.
Về công tác tuyên truyền, quán triệt chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN được thực hiện bằng nhiều hình thức, nhờ đó 100% đảng viên, cán bộ, công chức của Ngành nắm được yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm trong việc thực hiện Luật PCTN, góp phần thống nhất trong nhận thức và hành động. Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ Tư pháp luôn đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên và người đứng đầu trong PCTN, đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp.
Vai trò của các cấp ủy đảng trong việc hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN, lãng phí được phát huy. Đã thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên các lĩnh vực theo quy định của Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính và đổi mới công nghệ quản lý, phương thức thanh toán.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ Tư pháp đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về PCTN theo thẩm quyền, đồng thời các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ quy định không phù hợp, không chặt chẽ hoặc chồng chéo.
Thực hiện Luật nghiêm, phòng chống tham nhũng sẽ hiệu quả
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như vẫn còn tính hình thức trong tuyên truyền về PCTN, chống lãng phí; việc tự rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng ngừa còn chưa kịp thời; một số nội dung thực hiện còn chậm; một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo… Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Ban Nội chính TW, Đoàn Khảo sát nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác PCTN cho phù hợp với đặc thù của bộ, ngành, địa phương; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng được dư luận quan tâm; thực hiện nghiêm chính sách đãi ngộ, khen thưởng với người có công phát hiện, đấu tranh PCTN; có chế độ bảo vệ đấu tranh người đấu tranh chống tham nhũng. Đại diện các đơn vị thuộc Bộ cũng làm rõ hơn một số vấn đề báo cáo nêu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao chuyến làm việc của Đoàn khảo sát, đồng thời cho biết các vấn đề mà Đoàn khảo sát đưa ra, Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp thu và bổ sung để làm rõ hơn. Liên quan đến công tác PCTN, Bộ trưởng cho rằng, Luật hiện hành và việc tổ chức thi hành Luật PCTN đang có nhiều bất cập. Trong đó, việc triển khai thi hành luật này chưa nghiêm. Vì thế, cùng với việc sửa đổi Luật PCTN thời gian tới, thì quan trọng vẫn là khâu tổ chức thực hiện phải thật nghiêm thì PCTN mới hiệu quả.
Một trong những vấn đề quan trọng khác, theo Bộ trưởng Lê Thành Long là cần thiết phải xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Thời gian qua một trong những lý do ta lúng túng mất nhiều thời gian trong xử lý án tham nhũng là quá trình hình thành phát triển của các tài sản nhất là tài sản của các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước không minh bạch. Có tình trạng thất thoát, thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng thì rất khó khăn vì không tìm thấy tài sản, mỗi cơ quan lại quản lý một công đoạn khác nhau. Nếu xây dựng Luật này, chỉ cần tra cứu trên mạng có thể thấy ngay tình trạng tài sản theo hướng minh bạch hóa thì mới đẩy mạnh được PCTN.
Ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tư pháp trong PCTN, lãng phí, ông Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng đoàn cho biết, sẽ kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền nâng cao năng lực, biên chế để thực hiện tốt công tác thẩm định văn bản. Đồng tình với đề xuất xây dựng Luật Đăng ký tài sản, ông Họa cũng mong muốn, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm công tác PCTN, chống lãng phí. Tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh việc học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường tự kiểm tra xử lý phát hiện các sai phạm trong ngành…
Về công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng đối với vi phạm của cán bộ, công chức trong hệ thống THADS. Trong 10 năm thực hiện Luật PCTN, qua kiểm tra nội bộ, Bộ Tư pháp đã phát hiện 33 vụ, 35 đối tượng có hành vi tham nhũng; qua hoạt động thanh tra, phát hiện 3 vụ, với 5 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại phát hiện 4 vụ, với 3 đối tượng, qua điều tra, phát hiện 16 vụ, với 17 bị can bị khởi tố; 3 vụ với 4 bị can bị truy tố liên quan đến tham nhũng. Đã có 15 vụ án với 17 đối tượng bị kết án tham nhũng ; xử lý hành chính 4 vụ, với 17 người. Công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí đạt nhiều kết quả cụ thể.