Đề xuất xử lý hình sự trộm dưới 2 triệu đồng: Nhìn từ những vụ trộm chó

(PLO) - Thời gian qua, những vụ trộm chó ở các làng quê ngày càng nhiều và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận. Từ những vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng đưa vào quy định trộm dưới 2 triệu cũng bị xử lý hình sự là hợp lý.
Một vụ trộm chó được xử tại Tòa.
Một vụ trộm chó được xử tại Tòa.
Thảm án từ những vụ trộm chó
Ngày 20/7/2015, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa vụ án “trộm chó giết 2 mạng người” ra xét xử lưu động tại xã Ia Kla (huyện Đức Cơ, Gia Lai). Theo truy tố của VKS, khoảng đầu tháng 1/2015, Nguyễn Văn Tiến (SN 1992, trú thôn Ia Tang, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) nảy sinh ý định trộm cắp chó bán lấy tiền tiêu xài nên đã chuẩn bị các dụng cụ để bắt chó. 
Khoảng 23h ngày 20/1/2015, khi đi ngang qua nhà ông Nguyễn Xuân Cường (SN 1959, trú thôn Ia Tang, xã Ia Kla) Tiến đã dùng tay mở lưới B40 để đột nhâp vào trong. Do thấy tiếng động nên ông Cường dậy đi kiểm tra, sau đó quay vào vì không phát hiện bất thường. Khoảng 0h20 ngày 21/1/2015, Tiến tiếp tục tiến vào thực hiện hành vi trộm chó. Nghe tiếng chó sủa, ông Cường và vợ là bà Phan Thị Mão (vợ ông Cường) cùng thức dậy đi kiểm tra. 
Khi thấy Tiến, ông Cường hô cướp thì bị Tiến rút dao bấm đâm liên tiếp nhiều nhát vào hai tay ông Cường.  Hai bên xô đẩy nhau vào phòng ngủ của chị Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1997, con gái ông Cường, đang học lớp 12) và bà Lưu Thị Hồ (SN 1925, mẹ ông Cường). Đôi bên giằng co quyết liệt, hậu quả ông Cường, chị Thủy tử vong, bà Phan Thị Mão bị 16 vết thương trên người, ở các khu vực mặt, cổ, vai, ngực, hai cánh tay và hai bàn tay, tổn hại 17% sức khỏe. Nguyễn Văn Tiến bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt tử hình về tội “Giết người”, 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”; tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Ngày 30/12/2014, TAND TP.HCM cũng đưa ra xét xử băng nhóm trộm chó gây ra cái chết thương tâm cho 3 thanh niên trẻ tuổi tại huyện Củ Chi, TP.HCM hồi tháng 6/2014. Theo cáo trạng, khoảng 6h30 ngày 14/6/2014, Hồ Thanh An và Lê Minh Hậu đến nhà Hồ Văn Hiếu để cùng đi trộm chó, An điều khiển xe máy chở Hiếu mang theo súng bắn tên điện cao áp. Phạm Ngọc Thuận điều khiển xe máy chở Hậu mang theo bao nilon. Đến 9h, cả nhóm đến xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi tìm chó để trộm. 
Đến khoảng 18h cùng ngày, trong lúc cả nhóm đang chở 3 con chó ăn trộm được đi trên đường Nguyễn Kim Cương để về nhà ở huyện Hóc Môn thì bị các anh Huỳnh Kim Bảo, Nguyễn Minh Phương và Phạm Nguyễn Quốc Hữu phát hiện và rượt đuổi. Cuộc rượt đuổi này dẫn đến hậu quả  do chạy quá nhanh, Bảo không làm chủ tốc độ, bị mất lái, lao xe máy vào bên trái đường khiến cả 3 thanh niên đều tử vong sau đó. TAND TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt Hồ Văn Hiếu mức án tử hình về hai tội: “Giết người” và “Trộm cắp tài sản”; Hồ Thanh An và Phạm Ngọc Thuận nhận 10 năm tù, Lê Minh Hậu 12 năm tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”. Mức án này được giữ nguyên tại phiên tòa phúc thẩm.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Trên đây là hai trong số rất nhiều vụ án đã bị đưa ra xét xử khởi nguồn từ việc trộm chó. Trên thực tế đã có không ít vụ trộm chó hoặc các tài sản khác  nhưng cơ quan công an không khởi tố vì không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 138 BLHS (tài sản bị chiếm đoạt chưa đến 2 triệu đồng, người vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng, chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích). Chỉ có những vụ trộm chó dẫn đến giết người, cố ý gây thương tích hoặc cấu thành những tội phạm khác mới bị đưa ra xét xử về các tội danh này. 
Vì thế, nhiều vụ trộm chó thường được coi là những vụ trộm vặt nhưng gây bức xúc trong dư luận, thậm chí từ những vụ trộm chó, người dân có những hành vi “tự xử” để ngăn chặn tội phạm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. 
Từ những vụ việc nói trên, nhiều ý kiến cho rằng việc bổ sung quy định  xử lý hình sự với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng để giải quyết những bức xúc của người dân trong thời gian vừa qua đối với những trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị không đến 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống mưu sinh hàng ngày của người dân là cần thiết, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Đồng tình với quan điểm này nhưng theo đại biểu Lê Ra, Phòng 10, VKSND TP.Đà Nẵng thì cần phải kịp thời có văn bản hướng dẫn của liên ngành trung ương để làm rõ trường hợp “là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ” để thống nhất trong quá trình áp dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng; cần có Thông tư liên ngành hướng dẫn việc định giá tài sản phạm pháp thuộc trường hợp nêu trên để các cơ quan tiến hành tố tụng và Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự thống nhất áp dụng trên toàn quốc.
Cũng quan tâm đến quy định này nhưng bản thân các thẩm phán - những người làm công tác xét xử lại tỏ ra lo ngại bởi nếu xử lý cả các trường hợp trộm dưới 2 triệu đồng sẽ phát sinh quá nhiều vụ án hình sự, gây áp lực không đáng có cho Tòa Hình sự. Hơn nữa, so với mức sống của người Việt Nam hiện nay, 2 triệu đồng chưa phải là lớn, xử lý hành chính là phù hợp.
Luật sư Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai băn khoăn với quy định thế nào là phương tiện kiếm sống chính? Cái bơm xe đạp, cái cuốc, cái cày..., nếu coi là phương tiện kiếm sống chính để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự thì quá nhiều, dẫn đến việc khó có thể liệt kê hết các loại tài sản này. Còn nếu quy định tài sản có giá trị về mặt tinh thần cũng khó có căn cứ khi áp dụng vào thực tế. Nhiều ý kiến đồng tình với Luật sư Dũng và cho rằng quy định như Dự thảo là rất trừu tượng, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện trên thực tế. 

Đọc thêm