Đêm nay bão đổ bộ Biển Đông, dự kiến sơ tán hơn 140.000 dân nguy cơ ảnh hưởng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bão đang di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ 10-15km, trong đêm nay đi vào Biển Đông. Một số địa phương đã rà soát, dự kiến sơ tán 73.996 dân khu vực ven biển và 70.770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất...
Đêm nay bão đổ bộ Biển Đông, dự kiến sơ tán hơn 140.000 dân nguy cơ ảnh hưởng

Tối 8/9, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Nam đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Như vậy trong đêm nay, 8/9 bão đi vào Biển Đông. Đến 19h ngày 9/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 117,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19h ngày 10/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.

Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và mạnh thêm. Đến 19h ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.

Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ đêm nay, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa dông, gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 3,0-5,0m; biển động rất mạnh. Rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển đông cấp 3

Tại cuộc họp khẩn Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng 8/9, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão CONSON và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó; tăng cường thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đối với vùng đồng bằng và ven biển, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản; sẵn sàng vận hành hệ thống tiêu. Đảm bảo an toàn và khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố. Lực lượng quản lý đê chuyên trách kiểm tra các vị trí xung yếu, công trình đê điều đang thi công dở dang.

Đối với vùng núi triển khai lực lượng xung kích kiểm tra rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặt biệt là các hồ chứa thủy lợi nhỏ, xung yếu.

"Chúng ta đang ứng phó với dịch COVID-19. Khi ứng phó với bão, các khu vực vùng ảnh hưởng của bão và khu vực tàu thuyền vào neo đậu phải có phương án đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ. Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể về phương án sơ tán dân ứng với nguy cơ dịch bệnh tại từng khu vực. Cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai sẽ có công văn gửi cho lãnh đạo Bộ Y tế để phối hợp trong việc đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện việc này", Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh.

Thông tin từ cuộc họp Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, sáng 8/9: Tổng số tàu, thuyền của các tỉnh từ Quảng Ninh - Bình Thuận là 65.302 tàu. Theo thống kê sơ bộ tại một số tỉnh hiện có: 26.451 tàu cá hoạt động trên biển (Quảng Ninh 8.100; Hải Phòng 2.133; Nam Định 2.142; Ninh Bình 133; Thanh Hóa 6.810; Nghệ An 3.438; Hà Tĩnh 3.695); 394 tàu vận tải hoạt động tại cảng (Quảng Ninh 60; Hải Phòng 143; Ninh Bình 129; Thanh Hóa 36; Nghệ An 26).

Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 66.648 ha diện tích và 22.990 lồng, bè nuôi trồng thủy sản. Từ tỉnh Quảng Ninh đến Bình Thuận có 55 khu neo đậu tàu thuyền với tổng sức chứa 34.761 tàu.

Hiện nay, lưu lượng về các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Hồng dao động từ 16,6 đến 2.771 m3/s. Mực nước các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đang ở mức thấp so với mực nước cho phép từ 6-9m. Các hồ vận hành phát điện theo kế hoạch. Đối với các hồ thủy điện trên các lưu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, dung tích các hồ đạt khoảng 13-70% dung tích thiết kế.

Trên hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh còn tồn tại 33 vị trí đê điều xung yếu, cần quan tâm, trong đó có 24 đoạn đê (với chiều dài 37,22km) và 9 cống dưới đê; 6 công trình đang thi công dở dang (Thái Bình: 2; Ninh Bình: 1; Thanh Hóa: 2; Nghệ An: 1).

Một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng trong điều kiện diễn biến COVID-19 phức tạp, trong đó, dự kiến sơ tán 73.996 dân khu vực ven biển (Quảng Ninh 6.018; Hải Phòng 5.252; Ninh Bình 1.392; Thanh Hóa 42.034; Nghệ An 18.200; Hà Tĩnh 1.100).

Sơ tán 70.770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất (Cao Bằng 45.829; Điện Biên 2.315; Hà Giang 792; Bắc Cạn 842; Thái Nguyên 20.992).

Đọc thêm